Điện thoại thương hiệu Việt giá rẻ, vì sao?

Cập nhật: 05-04-2012 | 00:00:00

Thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) thương hiệu Việt hiện nay bắt đầu cạnh tranh khá mạnh ở dòng cảm ứng, sử dụng hệ điều hành (HĐH) Androit. So với giá của nhóm sản phẩm cùng loại có tên tuổi từ các đại gia như Samsung, Sony Ericsson, Nokia thì các mẫu máy thương hiệu Việt giá chỉ bằng một nửa, trong khi kiểu dáng thì có độ sắc sảo thoạt nhìn gần như không phân biệt đâu là hàng ngoại, đâu là hàng... thương hiệu Việt!

“Dế” thương hiệu Việt

Đình đám nhất trong số đó hiện là thương hiệu “Hkphone” với dòng máy H7-3G với kiểu dáng tương tự thương hiệu HTC và X8-3G thì “na ná” với thương hiệu Sony Ericsson. Còn các chức năng thì hệt như những mẫu máy của HTC, Sony Ericsson. Cuối năm ngoái, “Hkphone” từng làm xôn xao thị trường khi tung ra mẫu máy có hình dạng bên ngoài gần như “song sinh” với sản phẩm của Apple. So về giá đang được khuyến mại là 2,9 triệu đồng (giá chưa khuyến mại là 3,5 triệu) cho thấy giá của “Hkphone” chỉ bằng 1/5 so máy thương hiệu... trái táo và so về cấu hình bên trong máy cùng độ sắc sảo của mẫu mã, “HKphone” được nhìn nhận là đứng đầu danh sách chọn lựa ở dòng máy có giá dưới 5 triệu đồng chạy HĐH Android thời thượng.

 Kiểu dáng, chức năng của mẫu H7-3G và X8-3G không thua kém dòng máy tương tự của các “ông lớn” HTC, Sony nhưng giá thì chỉ bằng một nửa

“HKphone” là một thương hiệu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam có trụ sở tại phía Bắc. Điều này tương tự như các thương hiệu máy ĐTDĐ của FPT, Q-mobile, Mobistar, Mobel, Ktouck... là những nhãn hàng thuộc chủ DN Việt Nam, nhưng chung một điểm cung cấp đầu vào là được đặt sản xuất (SX) riêng tại một số nhà máy tại Trung Quốc, Hồng Kông (gọi chung là TQ)...

Nếu như trước đây một thương hiệu “lạ” đến từ TQ người tiêu dùng thường gọi là “đồ Tàu” với giá rẻ và chất lượng kiểu “ba bảy hai mươi mốt ngày”, thì thời gian gần đây đã khác. Một chuyên viên lâu năm trong làng công nghệ thông tin có biệt danh “Minh Lết” với những dòng tự bạch “được đào tạo về an ninh mạng máy tính, từng có thời gian dài công tác trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu, đam mê và có sự tò mò rất lớn đối với công nghệ thông tin nói chung và thiết bị di động nói riêng”, phân tích: “Sự thực linh kiện để SX ra chiếc “smartphone” (ĐTDĐ chạy HĐH nào đó, phổ biến hiện là Android) chỉ chiếm phần chi phí rất nhỏ trong giá bán ra của nó. Vào cuối năm 2011, trang mạng GenK có đưa tin về giá linh kiện cần thiết để SX ra iPhone 4S, cái giá mà người ta ước đoán dựa vào việc “mổ bụng” iPhone 4S 16GB là 188 USD. Trong khi giá bán lẻ bản quốc tế ở Mỹ của iPhone 4S là 600 USD. Hầu hết các “smartphone” khác như Nexus One, N8... đều có một kịch bản giá tương tự với giá linh kiện chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% giá thị trường của một sản phẩm.

Giá rẻ do đâu?

Nếu như chất lượng linh kiện không phải là lý do khiến ĐTDĐ TQ rẻ đến vậy, thì vấn đề nằm ở đâu? “Minh Lết” cho rằng, sẽ rất sai lầm nếu chúng ta kết luận rằng iPhone 4S có chi phí linh kiện 188 USD và bán lẻ với giá 600 USD thì Apple sẽ được “đút túi” phần còn lại tương đương với 412 USD. Sự thực là đằng sau chi phí SX, hãng lớn như Apple còn cần rất nhiều “phụ phí” nữa mới có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Có thể kể tới các đầu chi phí lớn nhất như việc nghiên cứu, phát triển thiết bị, chi phí marketing, quảng cáo và cuối cùng là chi phí bảo trì và dịch vụ khách hàng. 

Trong lúc đó thì các nhà SX TQ gần như không phải chịu áp lực của chi phí nghiên cứu, phát triển. Trước đây, chỉ nội việc thiết kế ra một cấu hình “smartphone” với sự kết hợp của RAM, ROM, CPU và GPU đã đòi hỏi các nhà SX tốn hàng năm trời. Nhưng từ khi Qualcomm, MediaTek và một số công ty chuyên cung cấp giải pháp SoC (System on a Chip), phần việc thiết kế “nội thất” của chiếc “smartphone” đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Một SoC bao gồm CPU, GPU, RAM, giao tiếp ngoại vi... trên một con chip duy nhất bảo đảm tính tương tích và khả năng làm việc chung của tất cả các thành phần. Giải pháp SoC trở thành món “mì ăn liền” dành cho các nhà SX “smartphone” TQ, khi mà hầu như họ chỉ cần “chế” bộ vỏ với màn hình, bo mạch để cắm SoC vào là có một mẫu “smartphone” mới sẵn sàng xuất trận.

Có thể nói sự ra đời của Android và SoC đã hoàn toàn giúp “smartphone” TQ thoát khỏi chi phí nghiên cứu phát triển, góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng của thiết bị.

ông Đoàn Linh, chủ DN HKPhone, một hãng “smartphone thương hiệu Việt” tâm sự: Chiếc “smartphone” Android giá 4 triệu đồng bán ra có lẽ chỉ lãi chừng 200.000 đến 300.000 đồng (dưới 10%). Tình trạng đó không phải chỉ riêng của HKPhone mà là nói chung cho hầu hết các DN phân phối thiết bị trong nước: “Sẵn sàng ăn lãi ít đi so với những gã khổng lồ như Apple, HTC để bán được sản phẩm. Bên cạnh đó còn là chế độ bảo hành nghiêm túc”.

Việc các DN nội địa tham gia vào công nghiệp (CN) “smartphone thương hiệu Việt” bằng việc đặt hàng SX tại TQ để tích lũy vốn, kinh nghiệm chờ khi CN trong nước đủ sức tự sản xuất, cho thấy các nhà hoạch định chính sách CN Việt Nam cần có ngay các chính sách hỗ trợ để ngay trong năm nay có chiếc ĐTDĐ đúng nghĩa và tự hào đóng dòng chữ: “Made in Việt Nam” bày bán rộng rãi trên thị trường.

THU HƯƠNG - QUANG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên