Trước những thuận lợi và khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp (DN) khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng những quy định khắt khe từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các DN trong nước đã và đang nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định thương hiệu Việt.
Công nhân Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai nghiệm thu máy phát điện 1.500 KVA. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực. Trong những năm qua, Bình Dương luôn coi hội nhập quốc tế là chủ trương, chính sách lớn của tỉnh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Giày Thái Bình (TBS Group), chia sẻ trong giai đoạn năm 1993-1995, sau khi tham quan nhà xưởng sản xuất ở Indonesia và Đài Loan, những trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Ý… ông nhận thấy cần phải đầu tư nhiều chất xám hơn, có hệ thống kho vận tốt hơn thì mới có thể ăn sâu vào chuỗi giá trị. Ông muốn hướng DN của mình đến sự tự cường, tự chủ. Năm 1999 là thời điểm TBS Group xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên, đánh dấu bước đi đầu tiên trong quá trình làm chủ sâu hơn chuỗi công nghiệp thời trang.
Trước đây, công ty của ông phải phụ thuộc vào đối tác gửi mẫu mới có thể làm được, nhưng với trung tâm nghiên cứu riêng TBS có thể tự đề xuất mẫu mới, thực hiện sản phẩm mẫu chào bán khách hàng, từ đó đưa vào sản xuất. Hiện nay, đội ngũ các trung tâm phát triển sản phẩm ngành giày của TBS đều được đào tạo đạt chuẩn quốc tế, cả trung tâm đạt chuẩn SATRA về nghiên cứu và phát triển, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của các bạn hàng quốc tế như Skechers, Decathlon, Wolverines.
Đến nay TBS đã xây dựng và điều hành 6 trung tâm, dành riêng mỗi trung tâm cho một bạn hàng quốc tế. Quá trình ăn sâu vào chuỗi giá trị gia tăng đang đi đúng hướng khi DN đã xây dựng được năng lực cạnh tranh vững mạnh và làm chủ được chuỗi cung trong ngành sản xuất thời trang thế giới. TBS Group đã có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; trong tổng số 50 triệu đôi giày và 30 triệu chiếc túi xuất đi 60 nước trên thế giới hàng năm đã có giá trị chất xám của người Việt. “Tôi tin rằng thế giới làm được ắt ta sẽ làm được. Người Việt Nam có đủ khả năng để làm chủ trên quê hương mình”, ông Thuấn nói.
Được thành lập năm 2001, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các máy phát điện công nghiệp công suất lớn. Thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất được sản phẩm này nhưng ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc công ty, vẫn quyết tâm làm và xác định những khó khăn công ty sẽ phải vượt qua đó là: Công ty không chỉ phải cạnh tranh trong nước mà còn phải cạnh tranh với các hãng máy nước ngoài nếu muốn tồn tại.
“Vì công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyên sản xuất các máy phát điện công nghiệp công suất lớn nên công nghệ đều là nhập từ nước ngoài và DN phải học, thậm chí nhận chuyển giao công nghệ. Cùng với những chính sách, giải pháp của Nhà nước và tỉnh, công ty đã không ngừng cố gắng từng ngày vừa làm vừa khắc phục để chứng minh với các cơ quan quản lý nhà nước rằng chúng ta có thể làm được những sản phẩm này như các công ty lớn trên thế giới. Sau nhiều năm kiên trì vượt khó, đến nay các sản phẩm của công ty với công suất lớn nhất lên tới 2.500 KvMP đã có mặt hầu hết tại các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực”, ông Trọng cho biết.
Ông Trọng chia sẻ thêm: “Tôi muốn khẳng định người Việt Nam cũng có thể sản xuất được những sản phẩm tương đương với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Đối với chúng tôi, yếu tố đầu tiên là trí tuệ con người, do đó công ty đã tập hợp đội ngũ kỹ sư có chất lượng cao, có cùng khát vọng cùng nhau sản xuất ra sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Từ đó không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo dấu ấn của công ty nói riêng và người Việt Nam nói chung”.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 14-2-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 629/ KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã đề ra nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Những giải pháp trên đã mang lại kết quả thiết thực. Cụ thể, trong năm 2019 tỉnh đã triển khai thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN trong 2 ngày làm việc theo cam kết giữa UBND tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đăng ký DN qua mạng điện tử đạt trên 99%; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo quy định…
Năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết số 02/ NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh số lượng DN mới thành lập; tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo…
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết cộng đồng DN - doanh nhân Bình Dương luôn tự đổi mới, chủ động liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời ứng biến linh hoạt nhằm thích ứng xu thế mở cửa và hội nhập của nền kinh tế thị trường, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu và bị đào thải. Thực tiễn đã chứng minh, thời gian qua cộng đồng DN - doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định được vai trò là đại diện cho lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường, trở thành một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cộng đồng DN - doanh nhân vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, mang lại sự thịnh vượng cho xã hội, góp phần quan trọng trong việc mang lại những nguồn lợi kinh tế lớn cho quốc gia, dân tộc và đưa những sản phẩm của người Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Những kết quả đạt được của cộng đồng DN - doanh nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng trân trọng, đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. |
PHƯƠNG LÊ