Một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước có khoảng 250.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.
Các doanh nhân trao đổi, chia sẻ về những khó khăn và bài học trong thời kỳ khủng hoảng.
Số còn lại cũng có đến 69% báo cáo thua lỗ, phải cắt giảm mạnh công suất từ 30%-50%. Khủng hoảng kinh tế đã khiến rất nhiều doanh nghiệp đánh mất niềm tin.
Xuất hiện trong một cuộc tọa đàm về chủ đề doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc dự báo trong hai năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đương đầu với tình hình kinh tế khó khăn. “Các doanh nghiệp hãy tự tái cấu trúc, đổi mới và tạo nên sức bật trước khi trông chờ vào những trợ giúp từ bên ngoài”, ông kêu gọi.
Khi ngồi lại với nhau gọi là để ôn cố tri tân, nhiều doanh nhân tại cuộc toạ đàm cùng thừa nhận, một thời họ đã vấp phải sai lầm cơ bản là rời bỏ những hoạt động kinh doanh cốt lõi, sở trường của mình để lao vào những lĩnh vực mới như đầu tư chứng khoán, bất động sản…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam cho rằng ở một góc độ nào đó, việc chớp thời cơ khi các ngành, các thị trường bùng nổ rõ ràng đã thể hiện sự nhanh nhạy của không ít doanh nhân, doanh nghiệp. Nhưng sai lầm là ở chỗ, nhiều doanh nghiệp đã đi quá xa trong câu chuyện đầu tư trái tay, đầu tư ngoài ngành.
“Có những doanh nghiệp bắt được cơ hội và thành công rực rõ trong một giai đoạn ngắn, khiến nhiều người lầm tưởng... Thực ra, tôi cho rằng đó chỉ là một phần trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh, và mặt nào đó, cũng là một cái bẫy”, ông Nam chia sẻ quan điểm.
Chính vì nhiều doanh nghiệp sa đà vào đầu tư ngoài ngành, trong số đó có cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, nên khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, doanh nghiệp đã trở tay không kịp.
Điều đáng buồn, theo một số ý kiến, là thay vì thoát khỏi khó khăn, tìm ra giải pháp thì nhiều doanh nghiệp cứ mong chờ năm 2009 tốt hơn, năm 2009 chưa tốt hơn thì lại mong chờ năm 2010 tốt hơn. Chờ mãi, và lại mong mãi...
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam, cho rằng những thời cơ như của giai đoạn 2006-2007 sẽ không còn quay trở lại.
“Bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tỉnh táo, cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định nào đó. Đừng vì sau khi nắm bắt được cơ hội thành công trong một thời gian ngắn thì đã cho rằng mình đã đứng vững trên thương trường”, ông Hải nói.
“Không có khó khăn hay khủng hoảng nào sẽ kéo dài mãi mãi, điều quan trọng là chúng ta có thể kiên trì và năng động đủ để vượt khó hay không”, GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục - Đào tạo và Tư vấn quốc tế Stellar Management nêu quan điểm.
Ông nói: “Khi bị thử thách, điều tốt nhất phải làm là nhìn thẳng vào khó khăn và áp lực để tìm cho doanh nghiệp của mình một lối thoát và giải pháp phù hợp. Trong khốn khó, chúng ta buộc phải thay đổi và biến chuyển. Và trong nền kinh tế toàn cầu, sẽ không còn đơn thuần là vấn đề của anh hay của tôi nữa, mà vấn đề của anh sẽ là của tôi và của chúng ta”.
Nhiều doanh nhân tại toạ đàm cũng thừa nhận rằng thách thức lớn nhất lúc này là vượt qua chính mình. Bởi sau giai đoạn khó khăn kéo dài, cảm giác mất tự tin đang hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, nhiều doanh nghiệp dù gặp khó vẫn nhất định không chịu giảm quy mô, giảm chi phí của mình. Trong khi, giảm quy mô doanh nghiệp khi khó khăn là sự thích nghi, là một chiến lược kinh doanh, chứ không phải là tự làm mình nhỏ bé đi.
Nhận thức lại toàn bộ câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp sau khủng hoảng kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Phải quay lại những vấn đề cơ bản. Khi nguồn vốn dễ dãi cùng cơ hội kinh doanh bùng nổ, doanh nghiệp sẽ dễ dẫn đến những quyết định ngắn hạn, từ đó dẫn đến những nguy cơ lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chú ý các vấn đề cơ bản nhất trong sản xuất, kinh doanh, của nền kinh tế. Trở về các vấn đề cơ bản, tham gia cuộc chơi toàn cầu. Đó chính là những thách thức căn cơ nhất để có thể vượt khó và phát triển bền vững”.
Theo Vneconomy