Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Huy động nguồn lực, phát huy sức mạnh, đưa Bình Dương phát triển bền vững, văn minh hiện đại

Cập nhật: 07-02-2021 | 17:19:58

Sau một nhiệm kỳ với nhiều thành công trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Bình Dương đang xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Trước thềm xuân mới, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về hướng đi cụ thể, nhằm huy động các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa Bình Dương tiến vào giai đoạn mới với tâm thế vững vàng hơn.

 - Trong giai đoạn mới, Bình Dương thực hiện những giải pháp nào cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng tỉnh nhà thành đô thị văn minh, hiện đại, thưa đồng chí?

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức. Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với quyết tâm của Chính phủ đổi mới, kiến tạo và hành động, Bình Dương đã và đang có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và minh bạch hơn cho doanh nghiệp, người dân hoạt động và phát triển.

Từ việc định vị lại chính mình, nhìn nhận những tiềm năng, lợi thế cùng những điểm “nghẽn” trong quá trình phát triển, trong giai đoạn mới tỉnh sẽ từng bước tháo gỡ những nút thắt một cách tổng thể và bài bản để có bước tiến nhanh, mạnh, bền vững hơn. Cụ thể, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp đi kèm với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Bình Dương đã xác định các giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục vận động chuyển đổi công năng khu vực sản xuất công nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp, trong khu dân cư theo hướng chuyển sang phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị, công nghiệp công nghệ cao. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên các dự án sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị, điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; thí điểm quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp hỗ trợ.

Để tạo nền tảng phát triển vững chắc, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các loại hình phân phối hiện đại. Thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng ưu tiên các dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ y tế và giáo dục, tài chính, ngân hàng... Phát triển các dịch vụ hỗ trợ để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, trở thành trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng, liên vùng. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành dịch vụ logistics, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông, các cảng cạn, từng bước tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại, góp phần đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, tham mưu đề xuất với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tập trung trọng tâm vào các công trình có sức lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư. Đầu tư từng bước đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh, với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị chung của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phúc lợi công cộng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các nhà đầu tư tại một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp

Thứ ba, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng nhằm thực hiện mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp trong nước phát huy tối đa tiềm năng để phát triển sản xuất. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, liên kết hợp tác đầu tư, hỗ trợ nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp.

Thứ tư, tỉnh tiếp tục có giải pháp đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở chủ động tổ chức lại hệ thống đào tạo theo chuẩn của khu vực và thế giới. Thực hiện các đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Song song với phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân với mục tiêu gắn tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng sống, phát triển văn hóa, xây dựng và phát triển con người. Các chủ trương và chính sách về y tế, giáo dục, lao động việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch… được chú trọng, thường xuyên điều chỉnh theo hướng nâng cao cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; triển khai và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp về nhà ở, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng các thiết chế văn hóa, huy động tốt các nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội; tiếp tục giảm nghèo bền vững...

Thứ năm, triển khai Đề án Thành phố thông minh trên cơ sở nghiên cứu mô hình đột phá của các thành phố thông minh trên thế giới đã thành công. Tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa nhiều thành phần trong địa phương như các doanh nghiệp, chính quyền, người dân để phát huy được sức mạnh tập thể và sự sáng tạo của cả cộng đồng. Xây dựng các mục tiêu đột phá để triển khai một cách đồng bộ, đặt con người chứ không phải công nghệ là trọng tâm, mang lại lợi ích chung cho các bên.

 - Thưa đồng chí! Bình Dương là một trong những địa phương thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng chí đánh giá và kỳ vọng như thế nào về những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới?

- Có thể nói, qua 30 năm thực hiện thu hút đầu tư, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng, đóng góp tích cực và ấn tượng trên nhiều mặt trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ của Bình Dương. Đến nay, khu vực vốn FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế, phát triển quan hệ đối ngoại. Bình Dương luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.920 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 35,4 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Người dân và doanh nghiệp vẫn mong chờ tỉnh làm được nhiều việc hơn nữa, đạt được nhiều thành tựu, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đáp lại những kỳ vọng đó, trong công tác điều hành, tỉnh tiếp tục nỗ lực để tạo ra những sự thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong việc chủ động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển mọi mặt, nâng cao đời sống gắn với an ninh trật tự được giữ vững. Bình Dương cũng sẽ nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Các dự án FDI đã và đang đóng vai trò là nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng vốn FDI vẫn tiếp tục là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm hơn 46,9% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Kết quả, Bình Dương đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra. Tăng trưởng GRDP đạt 6,91%, GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/năm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo với tỷ trọng tương ứng 66,94% và 21,98%. Bên cạnh đó, vốn FDI góp phần quan trọng trong việc tạo ra việc làm, thu hút lao động tới làm việc tại Bình Dương. Với trình độ quản lý hiện đại, các công ty FDI góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Đến nay, khu vực có vốn FDI đã tạo ra việc làm cho hơn 500.000 lao động, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống, đưa mức thu nhập đầu người tăng lên hàng năm.

Trong thời gian tới, tỉnh kỳ vọng các doanh nghiệp FDI tiếp tục tham gia vào thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần tạo ra một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích nguồn vốn FDI vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ chất lượng cao nhằm tiếp tục thay đổi phương thức, nâng cao chất lượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến cộng đồng người dân, doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, từng bước đưa Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại.

Việc nhiều tập đoàn kinh tế lớn có sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... là điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu và phát triển công nghệ. Tỉnh cũng mong muốn, các doanh nghiệp FDI quan tâm hơn đến việc thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao hơn chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Có như vậy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI sẽ có tác động lan tỏa lớn đến các thành phần khác của nền kinh tế thông qua sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Sự chuyển giao công nghệ và năng lực quản lý từ doanh nghiệp FDI tạo động lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.

- Những năm qua, Bình Dương là địa phương được đánh giá cao về sự tích cực trong công tác phối hợp, liên kết, đóng góp quan trọng vào sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục có những hướng đi nào để tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế của tỉnh nhà?

- Trong quá trình hình thành và phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước đã và đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo đúng định hướng mà còn góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong vùng, trong đó có Bình Dương. Tất nhiên, vùng kinh tế cũng có những thách thức mới trong quá trình phát triển mà đòi hỏi sự nỗ lực của các địa phương, trong đó có Bình Dương.

Trong nhịp phát triển mới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết phát triển kinh tế vùng, tạo ra một hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản xung quanh các dự án, như: Hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế... góp phần nâng cao đời sống của người dân trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng. Tỉnh cũng chủ động phối hợp, hỗ trợ nhau thực hiện các chương trình hợp tác về: Giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp... để cùng nhau phát triển lên tầm cao mới.

Trong những điều kiện của mình, Bình Dương sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh và giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai hệ thống giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14 - 15%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng vào năm 2025. Thu ngân sách tăng 8%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33 - 34% GRDP. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 2,5%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 31,5m2/người.

TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên