Đầu tư mạnh vào khoa học, công nghệ là chiến lược giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và các nước Đông Nam Á nên học tập chiến lược đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định.
Tên lửa chuẩn bị đưa tàu Thần Châu 9 lên vũ trụ vào ngày 16/6. Từ một nước từng phải nhập khẩu thiết bị công nghiệp, giờ đây Trung Quốc đã tự sản xuất tên lửa, tàu vũ trụ và nhiều loại linh kiện khác. Ảnh: Xinhua.
Trung Quốc - nước đã soán vị trí nền kinh tế thứ hai của thế giới của Nhật Bản - mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các nước khác, nhưng cũng có thể sẽ khiến các nền kinh tế lân cận mắc kẹt trong tình trạng sử dụng lao động có tay nghề thấp với mức thù lao rẻ mạt. Đây là nhận định của Gernot Hutschenreiter, giám đốc Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp của OECD, SciDev đưa tin.
Hutschenreiter sắp công bố bản báo cáo mang tên "Đổi mới công nghệ ở Đông Nam Á" trong vài tuần tới. Ông cho rằng Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển kỹ năng và tri thức. Giờ đây họ đã bắt đầu tự sản xuất những linh kiện công nghiệp, trong khi trước đây họ chỉ nhập khẩu những sản phẩm như thế.
"Tiến bộ công nghệ của Trung Quốc cho thấy nước này đang gia tăng khả năng cạnh tranh với các nước có thu nhập trung bình trong khu vực, như Indonesia, Malaysia và Thái Lan", Hutschenreiter bình luận.
Các nước Đông Nam Á sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ việc tương tác với Trung Quốc nếu năng lực đổi mới công nghệ của họ tăng. Tuy nhiên, Đông Nam Á đang gặp vô số trở ngại trong nỗ lực nâng cao năng lực đổi mới công nghệ - như kinh phí ít ỏi, chính sách hỗ trợ hoa học và công nghệ không hợp lý, khả năng sáng tạo của người lao động thấp.
"Vì thế các nước trong khu vực này nên hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua các trở ngại đó", ông nói.
VNE