Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, sáng 8-4, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Trong Bộ Luật hiện hành vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung, cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể; nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam cho phù hợp, thống nhất.
Việc sửa đổi cần bảo đảm tính kế thừa Bộ luật 2005, chỉ sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định chưa rõ, còn thiếu thống nhất; bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về phạm vi sửa đổi Bộ luật, dự án đã sửa đổi, bổ sung 58/261 điều của Bộ luật hàng hải hiện hành, bao gồm một số quy định về công tác quản lý nhà nước, bổ sung điều chỉnh một số phương tiện, thiết bị, công trình biển, cụ thể hóa một số quy định Hiến pháp về bảo vệ quyền công dân và sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính kỹ thuật khác.
Bên cạnh nhiều ý kiến đánh giá những nội dung sửa đổi, bổ sung này là cần thiết, một số ý kiến đánh giá Bộ luật hàng hải đã được ban hành 10 năm, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam và bối cảnh quốc tế hiện nay có nhiều thay đổi. Cùng với đó giao thông vận tải hàng hải của Việt Nam vẫn còn yếu so với yêu cầu của thực tế và tiềm năng của một quốc gia ven biển…
Nhiều đại biểu yêu cầu cần nghiên cứu, xác định nguyên nhân, lý do tại sao giao thông hàng hải Việt Nam chưa thể phát triển tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia ven biển; phân tích, làm rõ hơn những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành cần được tháo gỡ liên quan đến những vấn đề như về quy hoạch, xây dựng cảng biển, xây dựng đội tàu biển, phát triển dịch vụ hàng hải, vận tải biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực hoạt động hàng hải…; những kết quả tích cực đã làm được thời gian qua. Từ đó, mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật để có những sửa đổi lớn về chính sách, pháp luật, nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, biến Việt Nam trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đề ra.
Bên cạnh đó, cần rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định trong Bộ luật nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm đến mức tối thiểu các quy trình, thủ tục, yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế trong hoạt động hàng hải; nâng cao năng lực đội ngũ quản lý về hàng hải, khắc phục sự yếu kém dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp trong nước trong tranh chấp quốc tế về hàng hải; tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định để nâng lên quy định trong luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu khác đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định liên quan trong các đạo luật khác (Luật doanh nghiệp, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật biển Việt Nam, Bộ luật lao động, Luật thanh tra, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Pháp lệnh kiểm ngư, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển...) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; so sánh, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có những quy định phù hợp trong Luật. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc quy định về chính sách phát triển hàng hải trong dự thảo vì đánh giá đây là những nội dung chung chung, mang tính chất kêu gọi. Theo đại biểu nội dung này nên quy định trong chiến lược phát triển hàng hải thì phù hợp hơn là quy định trong luật.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và một số ý kiến khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ những nội dung cụ thể cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo Bộ luật, hạn chế việc giao cho bộ trưởng hay Chính phủ quy định thi hành.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung như cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; thanh tra hàng hải; cảng vụ hàng hải... Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thay mặt ban soạn thảo giải trình, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội góp ý để hoàn thiện dự thảo Bộ Luật hàng hải Việt Nam trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.
Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội.
Theo vietnam+