Sáng nay (25-10), Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức hội nghị phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Nhằm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người dân về nguy cơ của rác thải nhựa, thời gian qua sở đã thực hiện nhiều chương trình, trong đó công tác tuyên truyền về nguy cơ của rác thải nhựa được sở rất quan tâm. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN-MT.
Phong trào “Nói không với rác thải nhựa” được tổ chức tại trường Tiểu học Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một)
- Xin ông cho biết tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường như thế nào?
- Mỗi năm, Việt Nam xả ra biển tới 0,5 triệu tấn rác thải nhựa. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Việc rác thải nhựa tấn công môi trường không còn là mối đe dọa mà là thực tế trước mắt, gây tác động ngược lại đối với chính người dân.
Tác hại nguy hiểm nhất của túi nylon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái. Khi đã được xả ra biển, rác thải nhựa phải mất tới hơn 400 năm để có thể phân hủy hoàn toàn.
Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua, tại Việt Nam lại có hơn 1.000 chiếc túi nylon được tiêu thụ, chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nói trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi, trong đó biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nylon. Do đó, việc hạn chế việc sử dụng nylon và giảm thiểu đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ môi trường và bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau.
- Ông có thể lý giải vì sao người dân dù vẫn biết tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường nhưng vẫn sử dụng?
- Trên thực tế, đa số người dân đều biết việc sử dụng túi nylon là có hại cho môi trường nhưng họ vẫn dùng và việc sử dụng này ngày càng nhiều do tính tiện dụng, bền bỉ của vật liệu này. Mặt khác, do sự phát triển của khoa học - công nghệ nên việc sản xuất túi nylon rất đơn giản và giá thành rất rẻ, người sử dụng túi nylon không tốn chi phí nên người dân vẫn sử dụng.
- Tại Bình Dương, công tác thu gom và xử lý rác thải nhựa được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Với đặc thù phát triển công nghiệp như hiện nay, tỉnh Bình Dương có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến áp lực về sự gia tăng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, dẫn đến sự gia tăng phát thải rác thải nhựa và nylon (tỷ lệ rác thải nhựa và nylon trong rác thải sinh hoạt chiếm tỷ lệ khoảng 10%). Với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1.800 tấn/ ngày thì mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh bình quân 180 tấn rác thải nhựa và nylon. Do đó, tạo áp lực rất lớn cho việc thu gom, phân loại và xử lý loại rác thải đặc biệt này.
Hiện nay, toàn bộ rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nylon được thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, trong đó phân loại thu hồi để sản xuất cho các sản phẩm nhựa tái chế khoảng 20 - 30% (30 - 50 tấn), còn lại phần lớn được đốt trong lò đốt 2 cấp chuyên dụng, một phần được chôn lấp hợp vệ sinh.
- Để phong trào giảm thiểu rác thải nhựa mang lại hiệu quả cao, trong thời gian tới Sở TN-MT có những chương trình hành động gì, thưa ông?
- Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào chống rác thải nhựa (tại Kế hoạch số 4950/ KH-UBND ngày 1-10-2019). Theo đó, UBND tỉnh tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm sử dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường.
Trong đó, tỉnh tập trung vào 3 nội dung chính: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng; giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy trong sản xuất, sinh hoạt; tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cụthểtrong quản lý, xửlýchất thải vàphếliệu, tập trung vào chất thải nhựa. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan Nhà nước trong tỉnh thực hiện ngay việc không sử dụng chai nước uống đóng chai sử dụng một lần, qua đó đã giảm thiểu đáng kể lượng vỏ chai nước uống phát sinh hàng ngày trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước trong tỉnh.
PHÙNG HIẾU (thực hiện)