Giá cả gia tăng: Chấp nhận và thích ứng!

Cập nhật: 28-02-2011 | 00:00:00

Hai tháng đầu năm nay, giá cả tăng gần 3,8%. Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết tâm bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ cũng đã đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó có nhóm giải pháp tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương và hỗ trợ hộ nghèo...

Mặc dù đã tiên liệu sẽ đến lúc giá điện, giá xăng dầu tăng và hệ lụy của nó là giá các loại hàng hóa và dịch vụ khác sẽ tăng theo... thế nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy “choáng” vì sức ép giá cả hàng ngày. Một cơn “bão giá” mới  hình thành với cấp độ mạnh hơn đang hiện hữu. Giá điện, xăng dầu - các loại nhiên liệu quan trọng tăng sẽ tác động đến sản xuất - kinh doanh. Phần giá tăng của đầu vào được nhà sản xuất tính toán đưa vào giá thành từ đó giá cả sản phẩm tăng lên...

Không riêng gì ở nước ta mà thế giới cũng đang đối mặt với lạm phát và giá cả tăng. Tuy nhiên tùy tình hình mà mỗi quốc gia có những biện pháp đối phó khác nhau. Ở Ấn Độ, Chính phủ trợ cấp giá cho lương thực, nhiên liệu, phân bón. Singapore thực hiện dự án “Tăng trưởng và chia sẻ”, Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng, Hàn Quốc ưu tiên chống lạm phát, Đài Loan phát hành chứng khoán chống lạm phát, Brazil cắt giảm ngân sách... Mỗi quốc gia có giải pháp chiến lược khác nhau nhưng đều ưu tiên cho đời sống của người dân.

Chặn cơn “bão giá” không thể một sớm một chiều, đây là bài toán kinh tế mang tầm vĩ mô. Vậy nên mỗi người, mỗi nhà phải biết chấp nhận và tự thích ứng để sống chung với cơn “bão giá”. Tuy chưa đến nỗi “thắt lưng buộc bụng” nhưng mỗi gia đình, mỗi người phải tự điều chỉnh, tính toán lại kế hoạch chi tiêu hàng ngày. Từ việc chi phí cho cái ăn, cái mặc, đến đi lại, vui chơi giải trí... tất cả đều không thể “vung tay quá trán”! Và có lẽ “tiết kiệm” là hai chữ luôn luôn phải nhớ và nhắc nhở nhau thực hiện, bởi tiết kiệm là quốc sách. Khoan chi phí cho những gì khi chưa cần thiết. Dừng kế hoạch “lên đời” chiếc xe gắn máy. Tạm bằng lòng với chiếc tivi, cái máy giặt... đời cũ, để tránh cảnh “lạm phát gia đình”, để ưu tiên chi phí cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình, đầu tư cho những gì có sinh lợi dù nhỏ nhất.

Câu chuyện giá tăng không phải mới. Và, hai chữ “tiết kiệm” sẽ không bao giờ xưa cũ. Trong bối cảnh giá cả “leo thang” như hiện nay thì chúng ta phải biết chấp nhận và dần thích ứng!

- THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên