Giai đoạn mới trong quan hệ với ASEAN - Nga, Mỹ

Cập nhật: 29-10-2010 | 00:00:00

“Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN mở ra giai đoạn mới trong quá trình phát triển quan hệ song phương”; “Đi xa hơn các liên minh của chúng ta, Mỹ đang củng cố quan hệ với các đối tác mới”. Đó là lời Tổng thống Nga và Ngoại trưởng Mỹ ngay trước khi đến Hà Nội.

 

Quan hệ Nga-ASEAN có vai trò quan trọng của Việt Nam

 

Trong thư gửi báo chí Nga, Tổng thống Dmitry Medvedev nhấn mạnh rằng quan hệ với ASEAN là một phương hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga. Cùng lúc đó, báo chí Nga khẳng định chính Việt Nam đã đảm nhận và đang thực hiện tốt vai trò "cầu nối" giữa Nga và ASEAN.

 Tổng thống Nga Medvedev thăm chính thức Việt Nam nhân dịp này.  

Tổng thống Nga khẳng định Mátxcơva muốn để hàng hoá Nga tiến tới thị trường các nước trong khu vực và chủ trương sử dụng tiềm năng ứng nghiệm của ASEAN nhằm phát triển nền kinh tế của vùng Siberia và Viễn Đông. Ông cho rằng kết quả Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ xúc tiến sự đối tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau - từ khoa học và du lịch đến năng lượng và chống khủng bố.

 

Về tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga diễn ra tại Hà Nội, báo chí Nga nhận định: 5 năm là một khoảng thời gian không nhỏ và trong thực tế, đã nảy sinh những thách thức và đe dọa mới trên thế giới cũng như tại khu vực trong nửa thập niên trôi qua kể từ khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN đầu tiên ở Kuala Lumpur. Mối quan hệ chính trị giữa Nga và ASEAN được nâng lên cấp độ mới, mở thêm cơ hội cho sự đi sâu hợp tác kinh tế thương mại của Nga. Vì vậy, Hội nghị cấp cao lần thứ hai Nga-ASEAN với sự tham gia của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, dự kiến diễn ra vào ngày 30-10 tại Hà Nội, có ý nghĩa đặc biệt đối với cả ASEAN cũng như Nga.

 

Ông Anatoly Voronin, thành viên Hội đồng chuyên viên thuộc Hội đồng Liên bang Nga, nhận xét: “Các nước ASEAN là một thị trường phong phú và năng động. Tổng trị giá sản phẩm của họ vượt quá nửa nghìn tỷ USD. Các quốc gia ASEAN đứng ở ngã tư động mạch giao thông thế giới (một phần ba khối lượng lưu thông thương mại thế giới đi qua eo biển Malacca, một nửa trữ lượng tiêu thụ dầu mỏ thế giới được vận chuyển thông qua eo biển Malacca và Singapore). Rõ ràng rằng, cùng với sự đẩy mạnh các quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, ý nghĩa của khu vực sẽ chỉ tăng lên. Đây là yếu tố dĩ nhiên kể cả đối với Nga, một cường quốc hàng hải thế giới”.

 

Trong những năm gần đây, Nga và ASEAN đã xây dựng một hệ thống phát triển các quan hệ đối tác đối thoại. Một yếu tố không kém phần quan trọng và thuận lợi cho hoạt động của Nga tại Đông Nam Á là đối tác chiến lược với Việt Nam. Vai trò "cầu nối" giữa Nga và ASEAN của Việt Nam là đặc biệt quan trọng.

 

Theo các chuyên gia Nga, kim ngạch trao đổi kinh tế giữa Nga và các nước ASEAN tới năm 2020 hoàn toàn có thể tăng tới 40-50 tỷ USD. Đông Nam Á còn đặc biệt là mục tiêu quan trọng của Nga trong lĩnh vực năng lượng và quân sự. Các ngành khoa học Nga cũng chiếm uy tín xứng đáng trong khu vực. Có thể đồng ý rằng, chỉ riêng những lĩnh vực có khả năng và cần thiết được nêu trong sự hợp tác cùng có lợi giữa Nga và ASEAN, đã nói lên tính thiết thực của hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN sắp tới đối với cả hai bên.

 

Hợp tác Mỹ-Việt: Hiệu quả hơn bao giờ hết

 

“Đi xa hơn các liên minh của chúng ta, Mỹ đang củng cố các quan hệ với các đối tác mới. Tại Việt Nam, chúng ta đang vun xới để phát triển một mức độ hợp tác có lẽ không thể tưởng tượng được cách đây chỉ 10 năm về trước”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến Việt Nam trong bài diễn văn quan trọng của bà về vai trò của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ngay trước khi bà lên đường sang Việt Nam trong chuyến công du đến thăm nhiều nước châu Á - được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với các quyền lợi của Mỹ.

 

Trong diễn văn đọc tại Hawaii hôm qua, bà cho rằng “mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam vẫn mang lại nhiều kết quả hơn bao giờ hết, và mới đây, hai nước đã mở rộng các cuộc thảo luận về vấn đề an ninh biển, cũng như các vấn đề khác liên quan tới quốc phòng”.

 

Việt Nam, với tư cách nước chủ tọa, đã mời Mỹ đến tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần đầu tiên trong năm nay, mở ra một lộ trình mới thiết yếu cho sự hợp tác. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Mặc dù Việt Nam và Mỹ còn nhiều khác biệt, chúng ta quyết tâm hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn”.

 

Bà Hillary nói Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an ninh trong vùng. Để đạt mục tiêu này, bà nói Mỹ đang cổ vũ cho các thị trưởng rộng mở hơn và bớt hạn chế hơn về thương mại giữa Mỹ với các quốc gia bạn hàng Á châu. Bà Hillary đang trong chuyến công du 13 ngày đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài Việt Nam, nơi bà sẽ để tham dự các cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN và hội nghị EAS trong tuần này, chuyến đi sẽ đưa bà đến 6 nước khác, trong đó có Trung Quốc.

 

Trong loạt hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra cho đến ngày 30-10, Hội nghị EAS với sự tham dự của Nga và Mỹ đang thu hút nhiều sự chú ý. Trả lời các phóng viên báo chí tại tại hội nghị, ông Phạm Công Vinh, Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, nói ASEAN quyết định bắt đầu quá trình mời Nga và Mỹ tham gia EAS với tư cách là thành viên chính thức .

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên