Những tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ dần tăng nhiệt. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, dân doanh rầm rộ bung hàng hóa ra thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người tiêu dùng. Thời điểm càng cận tết, khả năng giá cả hàng hóa có thể sẽ tăng, gây bất lợi cho người tiêu dùng nếu các ngành chức năng thiếu nỗ lực triển khai những giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường.
Có một thực tế tồn tại nhiều năm nay, đó là ngoài những doanh nghiệp, những người làm ăn chân chính, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã lợi dụng thời điểm này để đẩy giá lên cao.
Không dừng lại ở đó, một số khác cũng “té nước theo mưa” để kiếm lời bất chính, tạo nên những “cơn sốt” giá làm tình hình thị trường phức tạp. Hàng gian, hàng giả cũng lợi dụng tình hình để tuồn ra thị trường.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và số lượng được phát hiện trong thời gian qua cũng chỉ mới phản ánh được một phần của “cuộc chiến” nóng bỏng này. Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng và phức tạp nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, đặt ra cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra thị trường giá cả, chất lượng; bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động… để góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.
Song song đó là việc ưu tiên và quan tâm đưa hàng Việt chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là dịp để quảng bá hàng Việt trước làn sóng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước. Hoạt động đó trước hết cần được các doanh nghiệp hưởng ứng bằng cách thường xuyên đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng, hàng hóa phải không ngừng nâng cao chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Về giải pháp, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp để làm tốt công tác quản lý thị trường; các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn phối hợp chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, bán đúng giá, thậm chí có chính sách giảm giá để kích cầu, tăng sức mua. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá, tổ chức tốt hệ thống phân phối đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để một số doanh nghiệp lũng đoạn thị trường và phạt thật nghiêm những đơn vị và cá nhân cố tình đầu cơ, ghim găm hàng hóa, nâng giá…
NHẬT HUY