Sáng nay (15/8), Google và Bộ Công Thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0), một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khoá đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 3 năm.
Sáng kiến đã được khởi động từ năm 2018. Mối quan hệ hợp tác này sẽ tạo điền kiện để mở rộng quy mô và phạm vi dự án - vốn đã được khởi động từ năm 2018, đặc biệt đưa đến các vùng nông thôn để tiếp cận nhiều người Việt Nam hơn và giúp họ thành công.
Phát biểu tại lễ hợp tác, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá: “Trong tương lai, việc ứng dụng các công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi về “chất” của thương mại điện tử, dẫn tới tác động sâu hơn của hoạt động thương mại và phương thức kinh doanh của DN nói chung”.
Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng mua sắm mới. Người tiêu dùng Việt Nam đã biết tận dụng tối đa tiện ích của mạng Internet phục vụ cho mọi hoạt động từ tra cứu thông tin, sản phẩm, so sánh giá cả, tìm kiếm người bán hàng có uy tín, tra cứu các địa chỉ mua hàng,... “Nhờ vào Internet, nhờ vào công nghệ, người dân của chúng ta đã có cuộc sống dễ dàng hơn, tiện ích hơn và thông minh hơn”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định. Tuy nhiên đứng dưới góc độ doanh nghiệp thì mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Xét trên bình diện chung, doanh nghiệp Việt Nam và các hộ kinh doanh cá thể vẫn đang đi tìm lời giải đáp cho nhiều bài toán tưởng chừng như đơn giản, như làm thế nào để bán hàng được nhiều hơn, làm thế nào để đưa lên mạng các sản phẩm một cách hiệu quả nhất, tiếp cận được với khách hàng tiềm năng,...
Chính vì vậy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao sáng kiến của Google, hợp tác với Bộ Công Thương trong việc triển khai chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0. Theo lời Thứ trưởng, đây là một sáng kiến thể hiện trách nhiệm xã hội của một tập đoàn công nghệ lớn, có cam kết hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Thứ trưởng kỳ vọng hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả to lớn trong việc xây dựng một hạ tầng vô cùng quan trọng, đó là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam.
Được biết, chương trình Bệ Phóng Việt Nam 4.0 được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khoá đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,...
“Kỷ nguyên số đem đến vô vàn cơ hội, và Việt Nam đang ở một vị thế tốt để có thể phát huy tiềm lực của mình”, ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết tại buổi lễ. “Chúng tôi biết khi người Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều hơn với những công cụ, dịch vụ, thông tin và khoá đào tạo trực tuyến, thì họ có nhiều khả năng biến ước mơ của mình thành hiện thực”.
Nằm trong diễn biến chính, Google cũng đã công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng như giúp họ truy cập các khoá đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng, tiện lợi hơn, bao gồm xe lưu động Digital Bus và ứng dụng Primer.
Tại sự kiện, Google đánh giá đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và công nghệ số là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ ASEAN, đại đa số (khoảng 98%) doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khu vực kinh tế quan trọng này chiếm đến 64% trong tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP quốc gia.
Cũng theo thống kê này, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu trong số tất cả các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỷ USD tổng giá trị giao dịch (GMV), chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam cũng đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2015 đến 2018, đồng thời được dự đoán sẽ tăng thêm gấp 3 lần vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25%. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chỉ có 16% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á thực sự tận dụng được các công cụ kỹ thuật số.
Theo Dân trí