Hành trình “Uống nước nhớ nguồn” của câu lạc bộ sĩ quan hưu trí Công an tỉnh

Cập nhật: 28-07-2020 | 09:28:30

Lịch sử đã đi qua, biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để mang đến cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay. Nằm trong các chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nay, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) sĩ quan hưu trí Công an tỉnh đã tổ chức cho các đồng chí trong CLB tham quan về nguồn tại hai địa chỉ đỏ: Khu di tích lịch sử Tà Thiết thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và Khu di tích Rừng Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng.


Các thành viên CLB sĩ quan hưu trí Công an Bình Dương về nguồn tại căn cứ Tà Thiết, tỉnh Bình Phước

Khu di tích lịch sử Tà Thiết có diện tích khoảng 3.200 ha; là tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến. Tại đây, Đoàn đã dâng hương tại nhà truyền thống để tưởng nhớ các vị anh hùng liệt sĩ đã có công với cách mạng, đồng thời tham quan hội trường, nhà ở và nhà làm việc, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của các đồng chí cố thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền; cố nữ tướng Nguyễn Thị Định - Phó tư lệnh; cố Đại tướng Lê Đức Anh - Phó tư lệnh, kiêm tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền; cố Chính ủy Phạm Hùng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập và ra những quyết định chiến lược, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu ấy, khu di tích Tà Thiết trở thành một địa chỉ đỏ, là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Điểm dừng chân thứ hai của Đoàn là khu di tích rừng Kiến An, cách TP.Thủ Dầu Một 20km, nằm trên địa bàn xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Rừng Kiến An là khu rừng lịch sử trải rộng với diện tích 245ha. Kiến An là một khu rừng già, nằm giữa hai con sông Sài Gòn và Thị Tính, đã trở thành vị trí chiến lược, có tầm quan trọng về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, làm bàn đạp cho các cuộc tiến công của quân ta lúc bấy giờ.

Đặt chân đến đây, nhiều người không khỏi bồi hồi và xúc động bởi những vết tích của chiến trường xưa vẫn còn đây, hàng chục hố bom của giặc và hầm hào công sự. Trong không khí tĩnh lặng của rừng, Đoàn đã được ôn lại truyền thống, sống dậy hồi ức những tháng ngày đầy gian khổ qua những thước phim phóng sự tại nhà truyền thống hay qua việc tham quan từng di tích, những con đường mòn, in lại từng bước chân của các chiến sĩ năm xưa như mang chúng ta trở về hào khí oai hùng ngày nào của ông cha.

Hành trình về nguồn đã khép lại, nhưng đó là những bài học, những trải nghiệm quý giá mà các đồng chí trong CLB có được. Đây chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp mà mỗi thành viên sẽ đem những câu chuyện ấy để kể cho thế hệ mai sau, về sự gian khổ của cha ông trong những thời khắc lịch sử để giành lấy tự do, độc lập cho đất nước ngày hôm nay trong chuyến hành trình “Uống nước nhớ nguồn” trên chính quê hương của mình.

 HẮC NGỌC TÀI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=748
Quay lên trên