Hỏi: Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, trẻ em phải làm việc xa nhà gia đình được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 54 Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 quy định:
1. UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; tạo điều kiện cho trẻ em được học nghề, làm công việc phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi trong phạm vi địa phương.
2. Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giữ liên hệ thường xuyên với trẻ em phải làm việc xa nhà gia đình để giúp đỡ, giáo dục trẻ em.
3. UBND cấp xã nơi có trẻ em phải làm việc xa nhà gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc sức khỏe, học văn hóa, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất.
Hỏi: Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lang thang được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 55 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 quy định:
1. UBND các cấp nơi có trẻ em đến lang thang phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có trẻ em đi lang thang trong việc tổ chức, giúp đỡ đưa trẻ em trở về với gia đình; đối với trẻ em lang thang mà không còn nơi nương tựa thì được tổ chức chăm sóc và nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; đối với trẻ em lang thang của hộ nghèo thì được ưu tiên, giúp đỡ để xóa đói, giảm nghèo.
2. Đối với trẻ em cùng gia đình đi lang thang thì UBND cấp tỉnh nơi có trẻ em cùng gia đình đến lang thang có trách nhiệm yêu cầu và tạo điều kiện để gia đình lang thang định cư, ổn định cuộc sống và để trẻ em được hưởng các quyền của mình.
3. UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ lang thang được sống trong môi trường an toàn, không rơi vào tệ nạn xã hội.
P.V