Hướng dẫn tạm thời vận chuyển công nhân, chuyên gia: Giúp công nhân lao động thuận lợi trong việc di chuyển

Cập nhật: 15-10-2021 | 08:16:57

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh vừa ban hành Văn bản số 3710/SGTVT-VTPTNL về việc hướng dẫn tạm thời vận chuyển đối với công nhân, chuyên gia, cán bộ, nhân viên, chủ doanh nghiệp (DN) của công ty di chuyển bằng xe ô tô từ Bình Dương đến TP.Hồ Chí Minh và ngược lại (gọi tắt là Hướng dẫn 3710). Việc thực hiện Hướng dẫn 3710 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người lao động giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, giúp DN từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.


Lực lượng chức năng chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình (TP.Thuận An) kiểm tra phương tiện đi lại từ Bình Dương qua TP.Hồ Chí Minh

Bảo đảm an toàn

Theo Hướng dẫn 3710, về điều kiện lưu thông, người vận chuyển và nhân viên phục vụ, người lao động... ngồi trên xe phải tiêm vắcxin ngừa Covid-19 ít nhất mũi 1 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh hoàn thành cách ly thì 7 ngày xét nghiệm 1 lần. Còn tiêm 1 mũi vắc xin sau 14 ngày thì phải xét nghiệm 2 lần/tuần và có kết quả âm tính mới được tham gia lưu thông. Việc tổ chức xét nghiệm và cấp chứng nhận cho cán bộ, công nhân lao động của công ty do cơ quan y tế hoặc DN tự thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm đó.

Khi vận chuyển công nhân, chuyên gia bằng xe đưa, đón phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế. Trên phương tiện phải trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách và thùng rác có nắp đậy.

Ngoài ra, trên phương tiện phải có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn hành khách chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện phải mở cửa toàn bộ, không sử dụng máy lạnh hoặc đóng kín cửa, sử dụng máy lạnh từ 260C trở lên. Mỗi phương tiện không được chở quá 50% sức chứa và vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến đi.

Cấp giấy nhận diện cho xe ô tô

Để quản lý các phương tiện và người lao động ngồi trên xe, Sở GTVT tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh phối hợp cấp mã QR cho cả phương tiện của DN và phương tiện của cá nhân. Nói thêm về quy trình cấp mã QR, ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái Sở GTVT tỉnh, cho biết: “Các DN thực hiện đăng ký theo Hướng dẫn 3710, kèm danh sách các thông số của phương tiện và gửi về hợp thư điện tử của đơn vị. Sau đó đơn vị sẽ tiếp nhận đề nghị từ các công ty, kiểm tra và gửi thư điện tử đến Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh xem xét giải quyết trong thời gian không quá 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ.

Kết quả giải quyết bao gồm thông báo tổ chức giao thông của Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh đã được số hóa và giấy nhận diện (có mã tra cứu QR) tương ứng với mỗi phương tiện. Sở sẽ thông tin kết quả qua Zalo và Cổng thông tin điện tử của đơn vị, còn DN tự in, đóng dấu của đơn vị vào giấy nhận diện phương tiện và gắn lên kính chắn gió phía trước của xe ô tô khu vực phía bên phải người lái xe”.

Theo ông Điền, từ khi ban hành Hướng dẫn 3710 đến chiều ngày 13-9, đơn vị đã tiếp nhận 66 đề nghị cấp giấy nhận diện và chuyển cho Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh xem xét giải quyết. Quá trình tiếp nhận và giải quyết đề nghị của DN được hai đơn vị phối hợp thực hiện nhịp nhàng, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên