Sáng qua (23-10), tại Rochester, New York (Hoa Kỳ), Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 địa phương, khu vực được vinh danh là các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu của thế giới năm 2020 (Smart 21). Vùng thông minh Bình Dương một lần nữa được bình chọn vào danh sách, tiếp tục khẳng định hướng phát triển TPTM đúng đắn, hiệu quả của Bình Dương, phù hợp xu thế thế giới và mang tầm quốc tế.
Đến nay, Bình Dương là địa phương duy nhất cả nước lọt vào top 21 vùng phát triển thông minh trên thế giới. Một loạt các sự kiện diễn ra ở Bình Dương trong năm 2018 như Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) nhân chuỗi sự kiện 20 năm thành lập WTA; Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis.
Và, ngay sau đó, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố Bình Dương nằm trong danh sách 21 tỉnh, thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu của thế giới.
Về lộ trình xây dựng TPTM, cách đây gần 4 năm, tháng 3-2016, Bình Dương đã chính thức công bố khởi động Đề án TPTM Bình Dương. Xây dựng TPTM là chương trình chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn năm 2030. Trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là rất mới mẻ, chưa có tiền lệ với nhiều cơ hội và thách thức; trong đó, vấn đề nguồn nhân lực đang là một thách thức lớn. Bởi vì phát triển nhân tố con người là để có những ý tưởng hay nhằm ứng dụng vào thực tiễn, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình TPTM. Do vậy, trong quá trình xây dựng TPTM, Bình Dương tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục-nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút và kết nối thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư của tỉnh, đồng thời sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật để hình thành thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc tiện nghi, văn minh hiện đại cho người dân và doanh nghiệp.
Với tầm nhìn chiến lược, Bình Dương đang hướng tới mô hình TPTM mang tầm quốc tế. Những lợi thế về hạ tầng, chất lượng điều hành mặc dù là yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư nhưng Bình Dương không dừng lại ở đó mà tiếp tục có những hành động cụ thể và quyết liệt để khẳng định vị trí dẫn đầu của mình. Nếu như Bình Dương lần lượt thực hiện các hành động cụ thể, hiệu quả và thiết thực, chia sẻ những lợi ích và mong muốn giữa các bên, tỉnh nhà hoàn toàn có thể mở ra một trang mới về kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tiến lên một nền dịch vụ công nghiệp công nghệ cao và dần hướng tới trở thành đô thị đáng sống, đáng làm việc…
NHẬT HUY