Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Cập nhật: 05-05-2022 | 08:02:15

 25 năm qua, Bình Dương với chủ trương “giao thông đi trước một bước”, nối kết giao thông với mạng lưới các khu công nghiệp và đô thị là điển hình thành công trong phát triển kinh tế địa phương. Theo TS.Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong nhiều nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong 25 năm qua có 3 nhân tố chính gồm (1) Cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, với khẩu hiệu “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư; (2) Đột phá trong mô hình phát triển các khu công nghiệp tập trung dựa vào lợi thế vị trí, địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi; (3) Đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng các khu đô thị mới thông qua sử dụng công cụ của chính quyền địa phương để dẫn dắt đầu tư đó là mô hình Tổng Công ty Becamex IDC của tỉnh.

Nhìn từ động lực liên kết vùng, theo TS.Trần Du Lịch, Bình Dương cần đặt sự phát triển của tỉnh theo quan điểm kinh tế vùng, nhất là “tứ giác phát triển” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, mặc dù tỉnh vẫn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng địa bàn này đang đứng trước 4 thách thức chủ yếu. Cụ thể, (1) Thách thức về hạ tầng giao thông kết nối; (2) Thách thức về phát triển vùng đô thị và chuỗi đô thị; (3) Thách thức về nguồn nhân lực; (4) Thách thức về thể chế liên kết Vùng và phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương.

Theo TS.Trần Du Lịch, để xây dựng cơ chế liên kết phát triển vùng, Bình Dương cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tỉnh cần kiến nghị Chính phủ khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, dựa vào lợi thế cạnh một siêu đô thị - TP.Hồ Chí Minh - để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển thương mại - dịch vụ, Bình Dương cần chủ động phối hợp với TP.Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống giao thông kết nối.

Để nâng cao tính năng động của các địa phương có lợi thế phát triển, đề nghị Chính phủ cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương thuộc “tứ giác phát triển” gồm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo cơ chế giảm bớt phần lồng ghép ngân sách Nhà nước giữa Trung ương và địa phương, ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo Luật Ngân sách trong 5 năm; tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông vùng đã được quy hoạch đến năm 2020 và 2030.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=667
Quay lên trên