Không để hộ nghèo tái nghèo

Cập nhật: 11-01-2022 | 08:58:59

 Bên cạnh chăm lo đầy đủ vào dịp lễ, tết cho hộ nghèo, Bình Dương còn làm tốt công tác rà soát, triển khai linh hoạt các chính sách giúp hộ nghèo ổn định và vươn lên. Hiện tại, chuẩn nghèo của Bình Dương cao gấp 1,7 lần so với cả nước và từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh không có hộ tái nghèo.

 Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, vay vốn, mô hình vườn rau sạch của gia đình bà Hồ Thị Thu Hà đã mang lại nguồn thu nhập ổn định sau dịch bệnh

 Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Đầu năm 2016, Bình Dương thực hiện điều tra, khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Kết quả điều tra có 3.889 hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,32% và 2.870 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,97%. Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 3.206 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,09% và có 2.883 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1%. Tuy nhiên, nhận thấy những bất cập, hạn chế của bộ công cụ điều tra rà soát hộ nghèo của Trung ương nên tỉnh đã sửa đổi bộ công cụ điều tra rà soát cho phù hợp với thực tiễn và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Giữa năm 2018, tỉnh thực hiện điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo bộ công cụ mới của tỉnh. Kết quả toàn tỉnh có tổng số hộ nghèo là 4.707 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,62%. Trong đó, số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 2.819 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,97%. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.888 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,65%. Số hộ cận nghèo là 2.883 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,99%.

Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành trong tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua hơn 5 năm thực hiện đã đạt được kết quả khả quan. Theo đó, đến đầu năm 2021, toàn tỉnh còn 3.114 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,95% và 3.031 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93 %. Như vậy, từ năm 2016 đến đầu năm 2021, toàn tỉnh giảm được 4.566 hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, bảo đảm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo chuẩn Trung ương và không có hộ tái nghèo.

Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngoài các chính sách theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh. Tỉnh thực hiện tốt phương châm gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm bố trí dành nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo. Các chủ trương, chính sách giảm nghèo được đưa vào nghị quyết, lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và hàng năm của địa phương.

Công tác giảm nghèo đã huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị và xã hội. Các tổ chức chính trị xã hội, hội đoàn thể đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phối hợp triển khai thực hiện, giám sát kịp thời, bảo đảm hiệu quả của chương trình. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân, tích cực đóng góp giúp công tác giảm nghèo đạt nhiều thành quả.

Linh hoạt chính sách

Để hộ nghèo không tái nghèo và vươn lên bền vững, những năm qua, Bình Dương luôn áp dụng linh hoạt các chính sách. Trong đó, chính sách về tín dụng ưu đãi được Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp, ủy thác cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi. Ngân hàng giám sát chặt chẽ nguồn vốn vay, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đã giúp hàng ngàn hộ có việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Điển hình như tại TP.Dĩ An, ngay khi tỉnh trở về “bình thường mới”, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đến từng hộ vay vốn rà roát, kiểm tra về mô hình trồng trọt, buôn bán và giải quyết nhanh nguồn vốn vay cho hàng trăm hộ dân. Điển hình như gia đình bà Hồ Thị Thu Hà, ngụ tại khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp từ chỗ được ngân hàng giải quyết nhanh cho vay 100 triệu đồng trồng trọt, chăm sóc vườn rau sạch đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, cung cấp hàng trăm kg rau cho các tiểu thương mỗi ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định...

Song song đó, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật luôn được tỉnh quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, các huyện, thị, thành phố đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với hơn 2.230 học viên. Trong đó, có rất nhiều người nhờ đó đã có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu. Các chính sách khác như hỗ trợ y tế, nhà ở, hỗ trợ tiếp cận thông tin, hỗ trợ tiền điện... cũng được các địa phương quan tâm, chăm lo.

Ông Hà Minh Trung cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: Một vài địa phương vì áp lực đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… đã thực hiện chưa thật đúng, đầy đủ theo tinh thần giảm nghèo bền vững, đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo những hộ vẫn còn thật sự khó khăn, chưa thật sự thoát nghèo.

Việc phối hợp lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao. Tỷ trọng người nghèo được tiến cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn rất thấp trong tổng số các thành phần được tiếp cận hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. “Những vấn đề trên sẽ được khắc phục trong năm 2022 để tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo cũng như không để xảy ra tái nghèo, giúp bà con ngày càng ổn định, phát triển”, ông Trung cho biết.

 Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh giai đoạn 2016-2020 là hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương là gần 1.300 tỷ đồng, gồm chi hỗ trợ có hoàn lại (tín dụng ưu đãi) là hơn 1.140 tỷ đồng, chi hỗ trợ trực tiếp (không hoàn lại) là hơn 150 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 142 tỷ đồng.

 QUANG TÁM  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên