Bụi mịn không khí PM 2.5 tại thành phố đang cao gấp 7 lần quy chuẩn quốc gia, tác hại đến hệ hô hấp gây viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Theo AirVisual, những ngày qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức xấu, là mức có hại cho sức khỏe của người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời. Chỉ số bụi mịn PM2.5 trong ngày dao động ở mức trên 175 µg/m³, cao hơn gấp 7 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 16 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (10 µg/m3). Trời nhiều sương mù.
Bác sĩ Lê Hoàn, Phó trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Bụi mịn có thể đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp.
Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính. Trường hợp tiếp xúc ngắn hạn, bụi mịn có thể là tác nhân khởi phát các đợt cấp của bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng...
Theo bác sĩ, cơ quan hô hấp là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng nhất do tác động của bụi mịn. Ngoài ra, một số cơ quan khác như da, mắt... cũng cần đề phòng.
Bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói mũi là bộ phận đầu tiên trong hệ hô hấp tiếp xúc với môi trường. Song bụi mịn nhỏ li ti trong không khí gấp 7 lần quy chuẩn cho phép ,mũi khó lọc sạch được hết nên dễ viêm nhiễm khi thời tiết bị ô nhiễm. Trong đó, viêm xoang là bệnh lý thường gặp nhất, tiếp đó là đau rát họng, sổ mũi, nghẹt mũi và bệnh lý về tai gia tăng.
Ô nhiễm không khí còn khiến cơ thể dễ bị bội nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển dẫn đến viêm phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người già; bệnh hen, viêm tiểu phế quản, dị ứng, suy hô hấp ở trẻ nhỏ.
Ngoài nhóm nguy cơ cao, những người tập buổi sáng cần đặc biệt chú ý vì tiếp xúc trực tiếp với bụi mịn lại không thể đeo khẩu trang, nhiều khi không thể phân biệt là sương mù hay bụi mịn, dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp. Để đảm bảo an toàn, nên tập trong nhà để đảm bảo đề kháng, tránh nguy cơ tiếp xúc với bụi mịn.
Bầu trời mịt mù nhìn từ tòa nhà trên cao, khu vực Thanh Xuân, Hà Nội sáng 5/1.
Để chủ động phòng bệnh hô hấp, bác sĩ khuyến cáo mọi người tuân thủ "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn chín uống sôi, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine phòng bệnh.
Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc. Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt để hạn chế ô nhiễm.
Trẻ em có sức đề kháng yếu, hệ tai mũi họng dễ mẫn cảm và dị ứng nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc môi trường bụi bẩn khói thuốc. Tạo thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày. Có thể sử dụng máy lọc để lọc không khí trong lành, dễ chịu.
Luôn giữ ấm bằng cách mặc quần áo thành nhiều lớp, nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Khi đó, cơ thể sẽ tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt và hạn chết mất nhiệt ra ngoài môi trường. Riêng trẻ em cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết.
Tập luyện thể dục phù hợp, nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ.
Theo VNE