Chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 đã tăng lên 72,2, mức cao nhất kể từ tháng 2-2008.
Một loạt báo cáo kinh tế và việc làm được công bố ngày 1-11 cho thấy những dấu hiệu lạc quan đối với kinh tế Mỹ. Lòng tin người tiêu dùng tăng cao nhất trong 4 năm qua và được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thị trường chứng khoán trên phố Wall nhộn nhịp trở lại sau nhiều báo cáo cho thấy sự lạc quan trong nền kinh tế Mỹ Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Conference Board có trụ sở tại New York, chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 đã tăng lên 72,2, mức cao nhất kể từ tháng 2-2008. Tỷ lệ người tiêu dùng kỳ vọng thu nhập sẽ tăng trong vòng 6 tháng tới cũng tăng từ 15,9% trong tháng 9 lên 16,7% trong tháng 10.
Tâm lý người tiêu dùng là một chỉ số quan trọng của nền kinh tế Mỹ bởi đây là đối tượng tiêu thụ khoảng 70% tổng lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước. Tình hình việc làm được cải thiện đáng kể, ngành công nghiệp chế tạo tiếp tục tăng trưởng và thị trường bất động sản hồi phục đang khiến người dân Mỹ tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế.
Theo một số báo cáo việc làm vừa được công bố, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước đã giảm gần 9.000 so với dự báo. Viện Nghiên cứu ADP có trụ sở tại bang New Jersey cho biết, các công ty Mỹ đã tạo thêm 158.000 việc làm trong tháng 10, hơn một nửa trong số này được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng tình hình việc làm sẽ bị ảnh hưởng khi các biện pháp cắt giảm thuế từ thời chính quyền Bush hết hiệu lực vào cuối năm nay và chính phủ sẽ cắt giảm khoản chi tiêu ngân sách lên tới hơn 600 tỷ USD.
Báo cáo của Viên Nghiên cứu ADP nhấn mạnh, tỷ lệ công ty dự định cắt giảm nhân công bắt đầu tăng trở lại sau khi xuống tới mức thấp nhất trong 22 tháng qua. Báo cáo của Challenger Gray & Christmas, công ty chuyên hỗ trợ tìm việc làm mới cho công nhân nghỉ việc, cũng cho thấy số lượng việc làm có khả năng bị cắt giảm trong thời gian tới đã tăng 41%. Bức tranh sẽ rõ ràng hơn sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm vào ngày 2/11.
Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ tăng từ 51,5 trong tháng 9 lên 57,5 trong tháng 10 nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng 2%. Kết quả này trái ngược với dự đoán của nhiều nhà kinh tế rằng chỉ số trên sẽ giảm xuống 51,2. Theo Viện Quản lý Cung cấp Mỹ, ngành chế tạo nước này vẫn tiếp tục trụ vững trong khi các đối thủ tại châu Âu và châu Á đang suy yếu do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thị trường bất động sản Thị trường bất động sản Mỹ cũng đang duy trì đà phục hồi khi giá nhà đất tăng 2% so với cùng kỳ năm 2011, mức cao nhất trong một năm kể từ tháng 7-2010. Chỉ số lòng tin của các công ty xây dựng Mỹ tiếp tục tăng trong 6 tháng liên tiếp, đạt 41 vào tháng 10 và cũng là mức kỷ lục trong 6 năm qua. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu trong ngành xây dựng tăng 0,6% trong tháng 9, cao nhất trong quý 2.
Richard Moody, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tài chính Regions Financial Corp nhận định: “Tỷ lệ thất nghiệp giảm và giá bất động sản ổn định đã giúp củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Giá trị ròng của bất động sản đang hồi phục rõ rệt, cho dù tốc độ còn chậm. Điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu mạnh hơn”.
Mark Freeman, Giám đốc quản lý khoản đầu tư trị giá 14 tỷ USD tại tập đoàn Westwood Holdings (Mỹ) cho biết: “Một trong những quan ngại lớn nhất của thị trường là suy giảm tăng trưởng. Trên thực tế, các dữ liệu thống kê cho thấy quá trình suy giảm về cơ bản đã kết thúc và tỷ lệ tăng trưởng bắt đầu ổn định. Xét trên những yếu tố cơ bản thì nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm tới”.
Những báo cáo kinh tế khả quan đã thổi một luồng sinh khí vào thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều tăng trên 1% trong khi cổ phiếu trên sàn giao dịch Nasdaq cũng đồng loạt lên giá. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất trong 7 tuần qua.
Trong khi đó, kinh tế thế giới vẫn đang vật lộn với suy thoái. Theo Văn phòng thống kê Liên minh châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro đã lên tới mức kỷ lục 11,6% vào tháng 9 do cuộc khủng hoảng nợ công đang xói mòn lòng tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Khủng hoảng nợ đã cuốn ít nhất 5 quốc gia trong khu vực này vào cơn lốc suy thoái, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí do nhu cầu giảm.
Theo VOV