Mấy hôm nay ngôi làng Kampung Dew ở Malaysia có một sự kiện đặc biệt: 24 tình nguyện viên từ các nước Đông Nam Á đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân trong làng.
Tình nguyện viên ASEAN đi khảo sát để trồng cây làm “nhà” cho đom đóm. Phía sau là những cây barembang có đom đóm lập lòe ban đêm như những cây giáng sinh - Ảnh: Vansanaphon
Những người trẻ đang là sinh viên, kỹ sư, giáo viên tiếng Anh đến từ 10 quốc gia. Họ giúp người dân xây dựng các dự án bảo tồn đom đóm, “đặc sản” du lịch của ngôi làng này.
Những “cây giáng sinh” ven sông
Tối, mặt sông phẳng lặng. Các tình nguyện viên mặc áo phao, ngồi lên thuyền máy và được người dân chở đi thực địa xem đom đóm ở các bụi cây dọc bờ sông uốn lượn quanh ngôi làng. Đi được một quãng, thế giới diệu kỳ hiện ra trong đêm khi các cây đước barembang hai bên bờ dày đặc ánh sáng lập lòe phát ra từ đom đóm. Mỗi “cây đom đóm” cao hơn 2m, tán xòe trải rộng, ai đến gần cũng ngỡ như đang lạc vào thế giới thần tiên giữa màn đêm tĩnh lặng.
“Nhìn như những cây giáng sinh vậy”-Nguyễn Thị Thùy Linh, một tình nguyện viên đến từ Việt Nam, reo lên. Linh bảo từ nhỏ đến giờ bạn chỉ thấy một hay hai chú đom đóm “đi lạc” chứ chưa bao giờ thấy cả rừng đom đóm như thế cả. Tương tự, tình nguyện viên Rungtip Junlah - đến từ Thái Lan - cũng kể với phóng viên Tuổi Trẻ: “Thật kỳ diệu. Đây là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm thú vị này trong đời”. Ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ thiên nhiên, các tình nguyện viên cũng chia nhau đếm những cây có đom đóm cư trú. “Khoảng 30 cây dọc hai bên sông có đom đóm phát sáng. Thật ngưỡng mộ sự kỳ diệu của thiên nhiên...” - Tôn Nữ Tường Vy, tình nguyện viên đến từ Việt Nam, chia sẻ.
Những “cây thông giáng sinh” trải dài chừng 1km trên khúc sông. Vonsanaphon, Bryan, Andreas, tình nguyện viên từ Lào, Singapore, Indonesia, chuẩn bị máy ảnh, máy quay để ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Tuy nhiên, hình ảnh không như mong đợi vì không được mở flash khi chụp ảnh, đom đóm sẽ sợ và bay đi.
Du lịch đom đóm
Sau chuyến thực địa, các tình nguyện viên lại cùng nhau khảo sát môi trường sống cũng như những mối đe dọa đến sự tồn tại của đom đóm. Là một kỹ sư môi trường, Rungtip Junlah bảo đom đóm rất quan trọng với đời sống. Đom đóm là dấu hiệu để nhận biết môi trường, chất lượng nguồn nước trong sạch. Đom đóm phát sáng có thể phát triển du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Để tạo môi trường sống cho đom đóm sinh sôi nảy nở, các tình nguyện viên lấy bùn từ sông, trồng thêm cây đước barembang làm “nhà” cho đom đóm. Đây là loài côn trùng chỉ sống ở những nơi có chất lượng nguồn nước tốt, nếu ô nhiễm môi trường thì số lượng đom đóm sẽ giảm dần. Do đó, tình nguyện viên ASEAN gặp gỡ người dân, nâng cao nhận thức của họ về môi trường sống, tuyên truyền hạn chế xả rác xuống sông để không ảnh hưởng đến đom đóm...
Cứ thế, trong một tháng đến với người dân Kampung Dew, 24 tình nguyện viên làm việc từ sáng đến khuya. Lúc lấy bùn trồng cây làm “nhà” cho đom đóm, lúc dạy tiếng Anh cho người dân, trang bị kiến thức về đom đóm để giới thiệu cho du khách, gắn các biển giới thiệu lên cây để thu hút du lịch, giao lưu văn hóa với trẻ em địa phương...
Sức trẻ và trí tuệ từ những tình nguyện viên ASEAN đang cùng người dân bảo tồn khu rừng đom đóm quý giá này...
(Theo TTO)