Lãng phí!

Cập nhật: 22-06-2011 | 00:00:00

Thời gian gần đây có 2 vấn đề nổi cộm liên quan đến ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Thứ nhất là dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK). Thứ hai là kết quả “đẹp” của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Vấn đề thứ nhất, dự thảo đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông có dự toán kinh phí lên đến 70.000 tỷ đồng mà Bộ GD-ĐT đang trong quá trình soạn thảo chưa công bố rộng rãi nhưng đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận vì cho rằng quá lãng phí. Lý do Bộ GD-ĐT đưa ra để xây dựng đề án là vì đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ để khắc phục những thiếu sót của chương trình hiện hành mà còn  nhằm đáp ứng “nhu cầu phát triển của xã hội” trong giai đoạn mới. Kinh phí 70.000 tỷ đồng để thực hiện đề án này được huy động từ các nguồn kinh phí triển khai các hoạt động hàng năm được Nhà nước phân bổ trong tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT và giao cho Bộ GD-ĐT quản lý. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ GD-ĐT, trong tổng dự toán kinh phí 70.000 tỷ đồng của đề án, không phải tất cả số tiền đó chi cho việc biên soạn chương trình và SGK, mà việc biên soạn chương trình và SGK chỉ dự kiến chi hơn 960 tỷ đồng; số còn lại chi cho các công việc khác như: xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý hơn 390 tỷ đồng...

Phản biện đề án này có chuyên gia đã đưa ra ví dụ 35.000 tỷ đồng sẽ xây bao nhiêu trường, bao nhiêu tiền cho mỗi trường. Nhưng thực tế chúng ta đã, đang xóa trường học tranh tre nứa lá bằng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ. Đề án còn đề cập tới khoản tiền vài ngàn tỷ đồng để mua thiết bị giáo dục mới, nhưng thực tế hiện nay thiết bị vẫn đang đắp chiếu, hỏng hóc, lãng phí kinh khủng. Nếu lại lặp lại một trào lưu mua sắm thiết bị dạy học mới, chắc chắn là học sinh, giáo viên chẳng được lợi ích bao nhiêu, mà tiền Nhà nước bị lãng phí nghiêm trọng. Vả lại, việc viết và thiết kế lại chương trình, SGK ít nhất phải 10 năm mới tính đến chuyện thiết kế lại. Bởi vở nhiều nước tiên tiến, có khi mấy chục năm người ta mới tổ chức viết lại sách vì sách của họ rất cơ bản, lại có tính liên thông bền vững giữa các cấp học. Nói về đề án này, nhiều người nhếch miệng cười mà rằng: đã nghèo mà lại xài sang!?

Vấn đề thứ hai, về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vừa được công bố cho thấy, một số tỉnh vùng khó khăn đạt tỷ lệ khá cao, có nơi gần 90%. Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên đậu 100%. Tại các tỉnh có điều kiện học tập tốt, tỷ lệ đậu đều trên 95%, có nhiều tỉnh trên 99%, đặc biệt có tỉnh đạt tỷ lệ 99,89%. Dư luận cho rằng những con số “đẹp như mơ” không thuyết phục. Cũng có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT đã ra đề dễ để có được kết quả đậu cao. Kết quả trên còn cho cho thấy một “màu hồng” gần như tuyệt đối với gần 100% số học sinh cầm trên tay mảnh bằng tú tài! Và như vậy, người ta lại tự hỏi: đã học giỏi vậy rồi cần gì thi cho tốn công, tốn của, tốn sức, gây lãng phí cho gia đình và xã hội? Nhưng khi được hỏi có bỏ thi tốt nghiệp THPT theo lộ trình tới đây hay không, một quan chức Bộ GD-ĐT đã trả lời dứt khoát: “Đổi mới thi còn trong quá trình xem xét đề xuất, nhưng chắc không bỏ thi”. Như vậy, có học thì có thi. Càng học càng phải thi. Và có thi mới... có lãng phí?!

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên