Libya rối bời sau 1 tháng bị không kích, bạo loạn Syria leo thang

Cập nhật: 19-04-2011 | 00:00:00

Tình hình Libya vẫn rối bời 1 tháng sau khi liên quân phát động chiến dịch quân sự theo nghị quyết của LHQ. Còn tại Syria, hàng nghìn người chống chính phủ đã chiếm trung tâm Homs, thành phố lớn thứ 3 nước này. Bất ổn vẫn tiếp diễn tại Barahn, Yemen, Tunisia…

 

Biểu tình lan rộng trên cả Syria

 

Tình hình Libya vẫn rối bời cho dù tuần qua, cả Mỹ, Anh và Pháp đều nói sẽ không ngừng oanh kích lực lượng quân đội ủng hộ chính phủ Libya cho đến khi nào nhà lãnh đạo Gadhafi rời bỏ quyền lực.

 

Báo chí phương Tây cho rằng quân nổi dậy rõ ràng không sao địch lại quân đội Libya dù LHQ đã ra nghị quyết thiết lập vùng cấm bay từ ngày 17-3 và 2 ngày sau đó, liên quân đã không kích “các mục tiêu của lực lượng ủng hộ Gadhafi”.

 

 Biểu tình lan rộng trên cả Syria

Báo chí Pháp thì nêu bật khía cạnh là gần một tháng sau cuộc can thiệp của quốc tế vào Libya, lực lượng của ông Gadhafi đã không bị “giải trừ vũ khí”, mà ngược lại, NATO vừa thông báo thiếu đạn dược, thiếu loại bom toạ độ chính xác và những loại vũ khí khác. Báo cũng trích lời bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Gérard Longuet không loại trừ khả năng cuộc chiến Libya kéo dài.

 

Washington đang ráo riết tìm một nơi sẵn sàng chứa chấp ông Gadhafi, một khi ông rời khỏi Libya. Nhưng Nhà trắng tuyên bố Mỹ không có kế hoạch nào để đóng vai trò sâu xa hơn trong vụ xung đột ở Libya.

 

Trong khi đó, hôm qua, lực lượng chính phủ tiếp tục pháo kích vào một thành phố bị bao vây ở miền tây Libya. Lời kêu gọi ngưng bắn của LHQ đưa ra cùng ngày đã không được ai để ý tới.

 

Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tầm mức của vụ xung đột cũng như là số thương vong ở Libya.

 

Tại Syria, phe đối lập khẳng định hôm qua hàng nghìn người chống chính phủ đã chiếm trung tâm Homs, thành phố lớn thứ ba ở nước này, một ngày sau có ít nhất 8 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột với lực lượng an ninh ở đây.

 

Bạo động hôm 17-3 xảy ra chưa tới một ngày sau khi những tay súng giết chết 3 người và làm bị thương thêm hàng chục người nữa trong tang lễ của một người biểu tình chống chính phủ bị thiệt mạng cũng tại Homs.

 

Hàng nghìn người đang xuống đường tuần hành trên khắp đất nước Syria phản đối chính phủ dù Tổng thống Bashar al-Assad đã hứa là luật khẩn cấp hiện hành hàng chục năm nay sẽ được dỡ bỏ trong vòng một tuần.

 

Hôm qua, chính quyền Mỹ tuyên bố “đang nỗ lực khuyến khích tiến trình dân chủ tại Syria, nhưng không tìm cách phá hoại chính phủ nước này”. Lời bình luận này được đưa ra sau khi tờ Washington Post nói Bộ Ngoại giao Mỹ bí mật tài trợ những tổ chức đối lập tại Syria, kể cả kênh truyền hình vệ tinh phát những chương trình chống chính phủ trong nước. Các khoản tiền hỗ trợ các nhóm đối lập bắt đầu sau khi cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria năm 2005.

 

Tờ Washington Post dẫn những tiết lộ mới nhất của Wikileaks cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ gửi khoảng 12 triệu USD cho những tổ chức chống Tổng thống Bashar al-Assad. Quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner không bình luận về một số chi tiết cụ thể của tin này.

 

Trong khi đó, hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain nói binh sĩ từ các nước láng giềng vùng Vịnh sẽ ở lại đảo quốc này cho đến khi chính phủ Bahrain tin là những mối đe dọa từ Iran giảm bớt.

 

Ông Khalid bin Ahmed Al Khalifa nói phải cần đến lực lượng vùng Vịnh để chống lại điều mà ông gọi là chiến dịch lâu dài của Iran tại Bahrain. Chế độ quân chủ Sunni tại Bahrain tháng trước đã mời 1.500 binh sĩ Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất đến nước này để giúp chống cuộc nổi dậy của phe Shiite.

 

Những nhà lãnh đạo Sunni vùng Vịnh gồm cả Ảrập Xêút tin là những xáo trộn tại Bahrain mở đường cho ảnh hưởng mạnh mẽ hơn của nhà cầm quyền Iran theo Hồi giáo Shiite. Đa số người Shia ở Bahrain đã tổ chức những cuộc biểu tình kể từ tháng 2 để đòi quyền bình đẳng và tự do nhiều hơn.

 

Các giới chức Bahrain nói những cuộc biểu tình được Iran ủng hộ. Tehran tố cáo việc điều động lực lượng do Ảrập Xêút lãnh đạo giúp củng cố chế độ quân chủ Bahrain và lên án vụ đàn áp.

 

Biểu tình cũng tiếp diễn ở Yemen. Hôm qua, lực lượng an ninh đã xô át với những người phản đối chính phủ ở thủ đô Sana'a. Một ngày trước đó, lực lượng an ninh tại đã nổ súng vào những người biểu tình chống chính phủ tại Sana'a, gây thương tích cho ít nhất 30 người trong lúc hàng trăm ngàn người biểu tình tại các thành phố trên khắp nước.

 

Những vụ biểu tình được tổ chức để phản đối Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh và những lời chỉ trích của ông nhắm vào các phụ nữ tham gia biểu tình. Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Saleh kêu gọi chấm dứt việc phụ nữ cùng chung với nam giới tham gia các cuộc biểu tình.

 

Nhóm đối lập ở Yemen khẳng định sẽ không thỏa hiệp về đòi hỏi chính yếu của họ là ông Saleh phải ra đi.

 

Trong vài tháng qua, dân chúng Algeria đã xuống đường biểu tình để đòi cải cách dân chủ. Tình hình tại Tunisia cũng vẫn bất ổn khi hàng trăm người thuộc đảng của cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali đã biểu tình tại thủ đô để đòi được tham gia trong cuộc bầu cử vào tháng 7 tới.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên