“Loạn” nước uống đóng bình!

Cập nhật: 28-05-2011 | 00:00:00

Nước uống đóng bình những năm gần đây trở thành một mặt hàng quen thuộc đối với nhiều đối tượng người tiêu dùng như cá nhân, hộ gia đình và cả các doanh nghiệp. Chính vì vậy, thị trường dành cho nước đóng bình trở thành một thị trường béo bở và thu hút nhiều người cùng tham gia sản xuất. Thực trạng này rất đáng lo ngại bởi chất lượng của loại nước đóng bình này có liên quan mật thiết đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Giá cỡ nào cũng... “tinh khiết”!

Khảo sát một vòng các đại lý bán nước đóng bình ở Bình Dương, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều được đóng nhãn nước uống tinh khiết với rất nhiều thương hiệu tiếng nước ngoài rất kêu. Tuy nhiên, khi được hỏi thì giá cả những nhãn hiệu này cũng không khác gì “mê trận” tên gọi với rất nhiều mức giá khác nhau. Phổ biến nhất là giá từ 12.000 - 14.000 đồng cho một bình 20 lít. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi than thở là công nhân, ít tiền, chê đắt, một đại lý trên đường 30-4 giới thiệu ngay hiệu Dadsavi với giá chỉ có 10.000 đồng một bình 20 lít. Đọc nhãn hiệu trên bình thì cũng thấy quảng cáo “Fresh! Let try...”, có nghĩa là “Tinh khiết! Hãy uống thử...”.

Nước uống đóng bình đang rất thịnh hành trên thị trường

Từ những thông tin quảng cáo tìm đại lý trên mạng, chúng tôi thử liên lạc với số điện thoại 097805... Rất nhiệt tình chào mời, sau một hồi quảng cáo về chất lượng của nước uống thương hiệu nước tinh khiết V-Sunrise, người này đã chào một mức giá không thể nào thấp hơn cho một bình nước tinh khiết, lấy tại nhà máy là ... 4000 đồng. Thực tế trên thị trường thì giá bán của loại nước này khoảng 10.000 đồng. Như vậy, có thể thấy được sự chênh lệch về giá bán của nhà máy so với giá mà người tiêu dùng phải trả là rất lớn.

Chất lượng đến đâu?

Chính vì chạy đua với giá rẻ để cạnh tranh trên thị trường nên nhiều cơ sở sản xuất nước tinh khiết bất chấp chất lượng. Rất nhiều chiêu được các cơ sở sản xuất này sử dụng để tiết kiệm chi phí như rút ngắn các công đoạn sản xuất trong quy trình, không sử dụng hệ thống súc rửa, khử trùng đối với vỏ bình tái sử dụng... Thậm chí ngay cả nguồn nước sử dụng để sản xuất cũng không được kiểm tra một cách chặt chẽ.

Theo số liệu từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Sở Y tế Bình Dương cho thấy, trong năm 2010, có tới 49,20% các cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai vi phạm các điều kiện về ATVSTP trong sản xuất. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở này tập trung ở các nội dung: việc khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATVSTP chưa được duy trì định kỳ hàng năm chiếm tỷ lệ 20,63%, điều kiện cơ sở chưa được nâng cấp kịp thời chiếm tỷ lệ 28,57%, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hết hạn chiếm tỷ lệ 7,94%...

Như vậy, có thể thấy chất lượng của nước tinh khiết đóng bình chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ nên vẫn còn rất nhiều vi phạm xảy ra. Đó là chưa kể tới các cơ sở chui mà dây chuyền sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn vẫn trà trộn vào thị trường bằng nhiều cách, gây ra những khó khăn đối với các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý, kiểm tra.

 Sự phát triển của thị trường nước uống tinh khiết đóng bình đã thể hiện rất rõ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Tuy nhiên, ngoài những nhãn hiệu quen thuộc và tạo được uy tín trên thị trường thì vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn về chất lượng của các loại nước này. Chính vì vậy, người tiêu dùng hãy lựa chọn thật thông minh để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình này, cần có những biện pháp xử lý triệt để hơn đối với những cơ sở vi phạm về ATVSTP nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Phương An

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên