Một công trình nhiều ý nghĩa

Cập nhật: 02-11-2010 | 00:00:00

Công ty TNHH MTV Cao su (CS) Dầu Tiếng vừa tiến hành khởi công xây dựng Khu trưng bày di tích lịch sử Làng CS thời Pháp thuộc (Lô 50 Nông trường Trần Văn Lưu, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng). Đây là nơi ghi dấu giai đoạn đầu tiên thực dân Pháp lập đồn điền ở nước ta vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho các phong trào đấu tranh của công nhân CS chống chế độ hà khắc, tàn ác của các ông chủ thực dân Pháp.

Năm 1917, Công ty Michelin (Pháp) lập đồn điền CS tại Dầu Tiếng với diện tích ban đầu là 7.000 ha và phát triển dần đến trước năm 1975 lên đến 9.240 ha. Lịch sử mãi khắc ghi, vào những năm đầu thế kỷ XX, trên vùng rừng núi bạt ngàn phía bắc hai sông Sài Gòn - Thị Tính, từng đoàn nông dân nghèo khổ từ đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ và cả những người dân ở những cụm dân cư thưa thớt dọc sông Sài Gòn đã đến trụ sở Hãng CS Michelin đưa ngón tay quệt mực, điểm chỉ vào thẻ giao kèo tự nguyện trói chặt cuộc đời vào kiếp cu-li. Số lượng cu-li theo năm tháng cứ tăng dần. Từ năm 1917-1951, đã có trên 45.500 lượt người ký giao kèo bán mình cho Hãng CS Michelin. Và chính sự cùng cực triền miên của những lớp người này trong đồn điền CS đã dẫn tới những cuộc đấu tranh tự phát, rồi tự giác và sớm đưa phong trào công nhân Dầu Tiếng lên vị trí phía trước của “dòng thác” cách mạng giải phóng dân tộc ở Nam bộ.

 

Phối cảnh Làng cao su thời Pháp thuộc

Tiếp đó là những năm trường kỳ kháng Pháp, những khó khăn mới xuất hiện đưa phong trào công nhân CS Dầu Tiếng đứng trước những thách thức to lớn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua, song công nhân CS và nông dân Dầu Tiếng chưa một lần nguội tắt niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, lần hồi gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng. Vừa đấu tranh với chủ Tây đòi quyền sống, vừa tham gia vào công cuộc kháng chiến chung. Hàng trăm công nhân đã bỏ sở làm để gia nhập lực lượng vũ trang, sang bên kia sông Sài Gòn lập căn cứ. Những đội du kích mật, những đảng viên trung kiên, những đội vũ trang tuyên truyền, đội biệt động thị trấn, những đêm vạt cây, đốt mủ, những buổi đình công đấu tranh, những trận diệt ác phá tề, công đồn phục kích... tất cả tạo nên bức tranh sôi động trên một vùng CS chốt giữa chiến khu nổi tiếng Dương Minh Châu và chiến khu Đ.

Sau năm 1975, công nhân tại Công ty CS Dầu Tiếng bước sang trang mới, tích cực lao động xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Năm 1998, Công ty CS Dầu Tiếng vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định công nhận vườn cây CS thời Pháp thuộc (ấp Hiệp Phước, xã Định Hiệp, Dầu Tiếng) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Với quyết định này Công ty TNHH MTV CS Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng công trình “Khu trưng bày di tích lịch sử Làng CS thời Pháp thuộc”.

Ông Võ Minh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV CS Dầu Tiếng, cho biết việc khởi công xây dựng công trình là nhằm phục chế một phần hình ảnh, cảnh trí, nhà cửa, nơi ăn ở, sinh hoạt của người công nhân CS Dầu Tiếng dưới thời Pháp thuộc. Công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, để con cháu mai sau ghi nhớ hình ảnh, cuộc sống cơ cực của người công nhân CS dưới thời Pháp thuộc, qua đó thấy được giá trị của hòa bình và thấy được hạnh phúc hôm nay là nhờ một phần công lao đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước, để phấn đấu nhiều hơn nhằm góp phần xây dựng công ty ngày càng phát triển. Công trình cũng có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập công ty.

ĐÌNH HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên