Mùa mưa điện vẫn phập phù!

Cập nhật: 18-09-2010 | 00:00:00

Hiện nay, trong khi nhiều người dân nghĩ đã qua giai đoạn cúp điện, tình hình thiếu điện đã hết căng thẳng vì đang ở vào giai đoạn lượng mưa nhiều nhất trong năm, thì trên thực tế điện vẫn phập phù. Những năm trước, bước vào tháng 9 các hồ thủy điện đã tích đủ nước thì năm nay nhiều hồ thủy điện vẫn không có nước để phát điện.

Do thiếu nước nên các hồ thủy điện khu vực phía Bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đang buộc phải giảm thiểu phát điện để tích nước phục vụ điều tiết phát điện và cấp nước cho mùa khô 2010-2011. Thủy điện Sơn La thì bắt đầu tích nước trong khi toàn bộ hệ thống sông Đà đều hụt 30 - 50% so với năm trước, cộng với lượng mưa ở khu vực Tây Bắc thời gian qua không nhiều nên nguồn nước ở đây vẫn rất thấp. Ở khu vực miền Trung, tại các hồ chứa của thủy điện Vĩnh Sơn như hồ A chỉ trên mực nước chết 7,65m, hồ B trên mực nước chết 1,36m, hồ C đang rơi vào mực nước chết. Hồ chứa ở thủy điện Sông Hinh chỉ trên mực nước chết 0,89m và với công suất phát khoảng 840.000 kwh/ngày, thì nhà máy thủy điện Sông Hinh chỉ đủ nước để hoạt động trong vòng 1 tuần là hết nước! Tại khu vực phía Nam, mực nước ở nhà máy thủy điện Trị An (Đồng Nai) hiện ở mức 50,5m. Con số này nằm sát mực nước chết 50m và đây là mực nước đo được thấp nhất từ trước đến nay...

Trong khi thủy điện thiếu nước thì một số nhà máy nhiệt điện dự kiến đưa vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa thoát khỏi sự cố và thời điểm hòa điện lưới trở lại. Điển hình là Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 đã xảy ra sự cố nhiều lần và cả hai tổ máy số 1, tổ máy số 2 đều đã dừng máy do sự cố. Tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cũng vừa dừng máy do sự cố, tổ máy 2 tuy đã tiến hành chạy thử đốt lò nhưng chưa thành công. Các nhà máy nhiệt điện còn lại như Phả Lại, Thủ Đức... đều phải dừng một số tổ máy để trung đại tu, hiệu chỉnh. Trong số hàng chục nhà máy nhiệt điện trong cả nước, hiện có tới 11 tổ máy bị sự cố và có nhiều tổ máy không biết đến bao giờ mới khắc phục xong sự cố! Từ những nguyên nhân trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương thông báo cắt giảm lượng điện cung ứng cho các địa phương. Chỉ tính trong 2 tuần gần đây, có những thời điểm Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phải cắt hạn chế tải ở cả 3 miền, chỉ trừ Hà Nội và TP.HCM. Có nơi bị cúp điện 2 ngày liên tục. Đã vậy, điện lực các tỉnh không thể hứa với dân lúc nào tình hình cung cấp điện sẽ trở lại bình thường. Điều này cũng dễ hiểu bởi lâu nay chúng ta quá chú trọng vào việc xây dựng các nhà máy thủy điện mà ít chú trọng vào các dự án nhiệt điện, điện nguyên tử... nên khi xảy ra sự cố thiếu nước như năm nay thì thủy điện đành bất lực chờ trời. Cũng do ít chú ý đầu tư cho nhiệt điện nên khi cần chạy máy để tăng công suất nhiệt điện bù cho lượng điện thiếu hụt thì các tổ máy giở chứng nằm lỳ!

Hệ lụy của việc cúp điện là đã quá rõ. Đối với doanh nghiệp là không hoàn thành kế hoạch sản xuất, tăng chi phí nhưng giảm doanh thu; đối với người lao động thì thu nhập giảm sút; đối với người dân thì công việc làm ăn kinh doanh bị gián đoạn, đời sống sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn. Đó là chưa kể cúp điện còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác như giao thông thiếu an toàn, mất an ninh trật tự...Câu nói cửa miệng của người dân trong những ngày cúp điện của mùa khô là “lạy trời mưa xuống...”, nhưng ngay giữa mùa mưa không lẽ người dân vẫn tiếp tục cái điệp khúc “lạy trời” nữa sao?!

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên