Ngoại hạng Anh oằn lưng dưới gánh nặng lương

Cập nhật: 24-12-2012 | 00:00:00

Năm 1995, cầu thủ có thu nhập cao nhất Ngoại hạng Anh là Dennis Bergkamp của Arsenal chỉ được lĩnh 25.000 bảng/tuần. Hơn 1 thập kỷ sau, Man City phải trả gấp hơn 10 lần cho Yaya Toure.

Từ chuyện của Leeds...

Những người yêu bóng đá Anh hẳn vẫn chưa nguôi nỗi tiếc nhớ dành cho Leeds của giai đoạn cuối 1990 và đầu 2000.

Đội bóng thuộc vùng Yorkshire này từng khiến cả châu Âu nghiêng ngả với thành tích lọt vào vòng bán kết Champions League mùa giải 2000/01, với đội ngũ bao gồm toàn những ngôi sao sáng chói như Rio Ferdinand, Mark Viduka, Harry Kewell, Alan Smith hay Lee Bowyer...

Man City sẽ có ngày phải trả giá vì thu không bù chi

Chỉ có điều, ngay sau khi bị Valencia chặn đứng ngay trước ngưỡng thiên đường, cánh cửa địa ngục bắt đầu mở ra và nuốt chửng Leeds.

Năm 2007, bóng sống chủ yếu bằng tiền đi vay của ngài chủ tịch "không thích lo xa" Peter Ridsdale (lúc bấy giờ đã chạy mất dạng) được tìm thấy ở hạng đấu thứ ba trong hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp Anh, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại vừa đáng nhớ lại vừa đáng quên của họ.

Nhưng các CLB đang tham chiến tại Premier League 2012/13 không được phép quên Leeds. Thậm chí để tránh nguy cơ bị ném trở lại thời kỳ "đồ đá" như CLB hiện đang vùng vẫy tại giải hạng Nhất và vừa bị Chelsea nghiền nát 1-5 tại mặt trận League Cup, những cái tên hiện vẫn được bao bọc trong lớp áo lung linh của giải Ngoại hạng cần phải lập tức thức tỉnh.

Khủng hoảng tài chính đang đe dọa cuốn trôi mọi loại hình giải trí trên khắp địa cầu, và các CLB bóng đá Anh thực sự đã ở rất gần chiếc vòi rồng có tên "Đại suy thoái".

Theo số liệu của các chuyên gia, tất cả 20 đội bóng thuộc Premier League mùa này đều đang nằm trong tình hình kinh tế nguy ngập, chủ yếu bởi chính sách mua cầu thủ vô tội vạ và đặc biệt là chế độ đãi ngộ không có giới hạn.

15 năm trước, bình quân một đội bóng mất chưa đầy 50% doanh thu cho việc trả lương. Ngày nay, đội bóng nào tỏ ra "keo kiệt" như thế chắc chắn sẽ sớm chỉ còn trơ lại... các lãnh đạo.

Đến chuyện của Aston Villa

Mùa 2010/11, Swansea cắn răng bỏ ra khoản lương bằng 149% tổng doanh thu. Sự tiêu pha rộng rãi ấy đã giúp Swansea trở thành CLB xứ Wales đầu tiên giành quyền lên chơi tại Premier League vào năm 2011.

Song cái ngày "Bầy thiên nga" phải tái ngộ Leeds tại giải hạng Nhất hẳn cũng không còn xa, nếu sân Liberty cứ tiếp tục "giải phóng" quỹ lương chạy hết tốc lực như hiện tại. Leeds từng cố chứng minh rằng tiền là con đường ngắn nhất để đem lại chiến thắng trên sân cỏ.

Nhìn vào trường hợp của Leeds trước đây, cũng như Man City và Chelsea bây giờ, không ai có thể phủ nhận cái bí quyết thành công mà Rockerfeller từng chia sẻ: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Vấn đề là, không phải ai cũng giàu như tay tỷ phú dầu mỏ người Mỹ.

Những chiếc Cúp VĐ Champions League của Porto (2003/04) và Ajax (1994/95) đã cho cho thấy vẫn còn cách làm khác để chinh phục vinh quang mà không phải trả cái giá đắt đỏ như Leeds từng hứng chịu.

Giả sử ai đó vẫn nghĩ rằng phải trả lương cao thì mới có được một đội bóng mạnh, Aston Villa sẽ là lời khuyên hữu ích. Mùa 1995/96, Aston Villa xếp thứ 4 chung cuộc tại Premier League chỉ với quỹ lương bằng 41% tổng doanh thu.

Mùa 2010/11, quỹ lương của đội bóng miền Trung nước Anh vọt lên mức 103% so với tổng doanh thu, và họ rơi xuống thứ 9.

Bergkamp từng xây dựng một cơ ngơi đồ sộ cho Arsenal với 25.000 bảng/tuần. Man City chưa bao giờ được tìm thấy một biểu tượng, dù phải trả 260.000 bảng/tuần cho Yaya Toure.

Theo Báo Thể Thao

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên