Ngôi nhà an toàn cho trẻ em 

Cập nhật: 19-09-2015 | 06:46:57

Sau gần 3 năm thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em (TE)”, hiệu quả bước đầu mang lại rất thiết thực, đã góp phần hạn chế nạn thương tích ở TE, giúp các bậc cha mẹ, người thân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ con em mình trong việc phòng tránh các nguy cơ gây tai nạn thương tích TE tại gia đình.

Hiệu quả...

Đến “Ngôi nhà an toàn cho TE” ở khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, chúng tôi thấy nhiều gia đình làm hàng rào xung quanh căn nhà. Trong nhà, các vật dụng sắt nhọn gây mất an toàn đều được bố trí cao khỏi tầm với của trẻ.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Bùi Ngọc Ánh cho biết, gia đình chị có 2 cháu nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi). Sợ con nhỏ hiếu động, chạy ra đường, nên khi được đoàn thể khu phố tuyên truyền và hướng dẫn xây dựng hàng rào, thì gia đình chị liền làm ngay để kịp thời che chắn an toàn.

Từ khi có rào chắn, chị giữ con an toàn hơn. Từ việc làm thiết thực của chị Ánh, nhiều gia đình khác cũng làm hàng rào che chắn, bảo đảm an toàn cho con em mình, đặc biệt là phòng chống điện giật, cháy nổ…

Bà Nguyễn Thi Lan ở khu phố 6, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một đang vui đùa cùng cháu, gặp chúng tôi cũng cho biết, bà cảm thấy an tâm hơn khi thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn cho TE”.

 

CTV TE khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An Nguyễn Thị Ngọc Bích (trái) tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho gia đình chị Bùi Ngọc Ánh

 

Thực hiện mô hình này, ngoài việc xây dựng hàng rào quanh nhà, các lu đựng nước luôn có nắp đậy, các vật dụng trong nhà cũng được bố trí an toàn cho cháu. Là một cộng tác viên (CTV) TE của khu phố 6, bà Lan cho biết thêm, mới ngày hôm qua do bất cẩn, chị Ngà trong khu đã để con bị bỏng nước sôi do cháu với tay kéo bình nước để trên bàn. Hay trường hợp khác, do không có rào chắn trước nhà, nên con chạy ra đường và đi lạc.

Gia đình tìm suốt buổi mới thấy cháu đang ở chơi một nhà dân gần đó. Chính sự bất cẩn của các bậc phụ huynh, vai trò của CTV TE vô cùng quan trọng để tuyên truyền các hộ gia đình thực hiện ngôi nhà an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho con em mình.

Hiệu quả thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn cho TE” là rất lớn, thế nhưng trong quá trình triển khai tại một số hộ dân, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ý kiến của các CTV TE các địa phương, trong khi vận động các hộ thực hiện mô hình đã gặp không ít phản kháng.

 Họ cho rằng, nhà họ, họ muốn làm sao thì làm miễn sao con họ được an toàn. Mặt khác, nhiều hộ quá khó khăn không có điều kiện thực hiện các tiêu chí của mô hình... Không nản chí, CTV TE vẫn đẩy mạnh tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm đất” đến khi hộ dân thực hiện mới thôi.

Tuyên truyền là quan trọng

Theo bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2012, sở đã triển khai kế hoạch tuyên truyền xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho TE”, phòng chống tai nạn thương tích tại các xã, phường, thị trấn.

Theo đó, các gia đình có trẻ nhỏ dưới 10 tuổi phải đăng ký thực hiện ngôi nhà an toàn với các tiêu chí, như bảo đảm an toàn xung quanh ngôi nhà, bảo đảm an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay TE; cầu thang, ban công phải có tay vịn, rào chắn an toàn để phòng tránh ngã cho TE; giếng, bể nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn…

Để thực hiện hiệu quả mô hình này, sở tổ chức tập huấn cho trưởng, phó phòng, cán bộ TE Phòng LĐ-TB&XH 9 huyện, thị, thành phố.

Từ đó, huyện, thị, thành phố triển khai xuống các xã, phường, thị trấn. Cán bộ xã tổ chức tuyên truyền theo định kỳ hàng tháng, theo chuyên đề, trực tiếp truyền thông tư vấn tại cộng đồng, lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho ngôi nhà của mình an toàn hơn cho con em mình.

 Qua tuyên truyền, vận động về những tác hại nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với sức khỏe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là đuối nước sẽ làm trẻ tử vong, gây mất mát cho gia đình và xã hội, nhờ vậy, nhận thức người dân ngày càng nâng lên.

Với cách làm trên, Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành công khi xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho TE”. Đến nay, mô hình đã bao phủ 91 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố với 165.000 hộ gia đình TE được phát động, đăng ký tham gia.

 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với TE, từ đó góp phần giảm tỷ lệ tai nạn thương tích TE nói chung, nhất là số TE bị tai nạn thương tích xảy ra tại gia đình. Đối với các hộ gia đình, sau khi hưởng ứng cam kết thực hiện “Ngôi nhà an toàn cho TE” trong 2 năm (2013-2014) đã có 81.500 hộ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn cho TE”.

Với quyết tâm của các ngành và địa phương, đặc biệt là người dân trong việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho TE” thì đây sẽ là giải pháp quan trọng để tiến đến “cộng đồng an toàn”, từng bước kiểm soát và khống chế tai nạn thương tích TE một cách hiệu quả.

 Theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6-5-2011 của Bộ LĐ-TB&XH, Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích TE có 33 tiêu chí.

Ngôi nhà được công nhận an toàn phải bảo đảm trong năm không có TE bị tai nạn thương tích tại nhà và phải đạt 23/33 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc. Ngôi nhà an toàn áp dụng đối với nơi thường xuyên có sự sinh sống, hoạt động của TE (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở của các cơ sở trợ giúp TE, các trung tâm bảo trợ xã hội, trường học...).

THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=894
Quay lên trên