Người cán bộ mặt trận hết lòng vì dân

Cập nhật: 18-12-2012 | 00:00:00

 Góp sức “già” xây dựng khu phố

Trước khi tham gia công tác Mặt trận, bà Lê Thị Nghiệm đã từng là Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Giao, rồi là Trưởng Trạm y tế phường. Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục tham gia công tác Mặt trận tại địa phương. Trong hơn 10 năm làm công tác Mặt trận, bà đã góp sức nhỏ của mình đưa khu phố Bình Thuận 2 luôn giữ vững là khu  phố văn hóa 10 năm liền. Điều đáng phấn khởi hơn đó là trong vòng 3 năm trở lại đây, khu phố không còn hộ nghèo, các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa tiến bộ, hạnh phúc luôn tiếp tục được phát huy.   Bà Lê Thị Nghiệm (bìa phải) tất bật với công việc ở khu phố

Bà bộc bạch, ban đầu về công tác tại khu phố Bình Thuận 2, đời sống người dân còn nhiều khó khăn lắm, ban điều hành khu phố cũng chưa được củng cố và đi vào nề nếp. Tuy nhiên, sau khi về công tác tại đây, bà đã lấy kinh nghiệm quản lý của mình làm công tác vận động với tiêu chí “Hiểu lòng dân, làm dân tin, nói dân nghe”. Với tiêu chí này, bà đã đề xuất nhiều việc làm gần gũi người dân để tập hợp sức mạnh của nhân dân, nhất là về việc vận động xóa đói giảm nghèo, vận động hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn trong khu phố. Từ những việc làm thiết thực đó, người dân ngày càng ủng hộ, yêu mến bà.

Ngoài việc tham gia công tác Mặt trận, bà còn là Chủ nhiệm CLB trẻ em phòng, chống HIV/AIDS đến nay đã được 4 năm với 30 trẻ từ 12 đến 15 tuổi. Hàng tháng, bà duy trì đều đặn sinh hoạt cho các em, ngoài việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, bà còn hướng dẫn các em cách phòng tránh tai nạn thương tích, tổ chức cho các em các trò chơi vui tươi, bổ ích. Song song đó, bà còn kiêm luôn “chức vụ” cán bộ dân số gia đình và trẻ em. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà  vẫn có khả năng đảm đương nhiều công việc và hiệu quả mang lại là đã góp phần đưa nhiều phong trào thi đua tại địa phương đạt kết quả tốt.

Vượt khó, giúp ích cho đời

Mặc dù kiêm nhiệm nhiều công tác “không lương” để giúp ích cho đời, góp phần đưa khu phố luôn đạt các tiêu chí khu phố văn hóa. Song, khi tìm hiểu kỹ về cuộc đời bà, càng khiến chúng tôi khâm phục hơn. Lúc 24 tuổi, chồng bà đã hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Lúc ấy, bà đang mang thai cháu nhỏ chỉ mới 3 tháng tuổi, trong khi đó, đứa lớn nhất chỉ mới 5 tuổi. Từ khi biết chồng mình đã hy sinh, bà đã khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt rơi xuống càng tạo cho bà dáng vẻ cứng cõi, hiên ngang của người phụ nữ Việt Nam. Do vậy, bà gạt bỏ tất cả nỗi đau, vừa tích cực làm việc nuôi 3 đứa con khôn lớn, vừa tranh thủ thời gian rảnh để tham gia tất cả các phong trào tại địa phương.

Nhận xét về những đóng góp của bà Lê Thị Nghiệm, Phó Chủ tịch UBMTTQVN phường Thuận Giao Trần Thị Trường Giang nói: “Bà Nghiệm rất nhiệt tình và tâm huyết với công việc, các cán bộ làm công tác Mặt trận ở địa phương đều phải học rất nhiều từ bà để hoàn thiện mình hơn. Bà là người phụ nữ đảm đang, mẫu mực, là tấm gương sáng để chị em phụ nữ noi theo”. Với những đóng góp của bà Lê Thị Nghiệm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng nhiều bằng khen cho bà vì có nhiều đóng góp xuất sắc trong phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Ngoài ra, bà còn được UBND tỉnh Bình Dương và TX.Thuận An tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

 H.VĂN - T.MƠ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên