Người Nhật yêu Bình Dương

Cập nhật: 30-05-2013 | 00:00:00

 Hiện nay, người Nhật đến Bình Dương làm ăn ngày càng đông. Họ chẳng những tiếp tục “bám rễ” lâu dài mà còn quyết định tăng vốn đầu tư... Bên cạnh hoạt động kinh doanh, người Nhật còn đồng hành cùng với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong tỉnh, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện. Đồng thời, người Nhật cũng đã tạo điều kiện giúp người Bình Dương hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán để du học ở Nhật, hay làm việc tại các công ty, doanh nghiệp (DN) Nhật.  

 Ông Shodo (đứng, thứ tư từ trái sang), Chủ tịch Tổ chức V-Heart cùng đoàn đến thăm Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh

Người Nhật thích làm ăn tại Bình Dương

Với chính sách “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, thời gian qua nhiều DN các quốc gia đã chọn Bình Dương làm “bến đậu”. Trong đó, DN Nhật Bản chiếm số lượng tương đối lớn, với gần 300 DN. Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN Nhật Bản tại Bình Dương trong thời gian qua vẫn phát triển ổn định. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc quan tâm đến lợi nhuận, các DN Nhật còn chú trọng đến chất lượng sản phẩm; chăm lo tốt đời sống người lao động (NLĐ). Từ đó, giúp ổn định đầu ra và lực lượng lao động cho DN. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương, đến tháng 3-2013, trong KCN tỉnh có 93 DN Nhật Bản đầu tư, với vốn đầu tư 758 triệu USD. KCN Việt Nam -Singapore có 82 DN, tổng vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD; còn lại là các DN ngoài KCN.

Theo ông Nakajima Kazuo, Chuyên gia kinh tế, tại hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn DN Nhật Bản”, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức ngày 11-3- 2013: Nhật gặp phải vấn đềlão hóa dân số, ít cơ hội kinh doanh nhưng cócông nghệkỹ thuật cao. Trong khi đó, Việt Nam códân sốkhátrẻ, cởi mở vànhiều cơ hội đầu tư kinh doanh. Các đặc điểm này khiến 2 dân tộc cóthểdễ dàng hợp tác cùng phát huy các thếmạnh của nhau. Các nhà đầu tư Nhật thường khó tính, bài bản nhưng cũng khá kiên nhẫn. Sau thời gian tìm hiểu và thấy được tiềm năng cùng môi trường đầu tư thuận lợi, họ sẽ “bám trụ” và từng bước tăng cường quy mô hoạt động để bảo đảm hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Với tiềm năng của một thành phố trẻ, Bình Dương đã thu hút nhiều DN Nhật đầu tư và coi đây là địa bàn chiến lược. Câu nói của ông Hidetake Senoo, Giám đốc Công ty Sài Gòn Stec TNHH (KCN Việt Nam - Singapore II, Bến Cát, Bình Dương), khẳng định điều này: “Bình Dương có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để hút vốn của các DN Nhật”.

Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam hay Việt - Nhật bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 khi các nhà buôn Nhật đến Việt Nam buôn bán. Việt Nam chính thức lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào ngày 21-9-1973. Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Theo Trưởng đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam là đối tác ODA quan trọng nhất thế giới. Quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu. Các mối quan hệ kinh tế chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng; đã hình thành khuôn khổ quan hệ ở tầm vĩ mô; sự hiểu biết giữa hai nước không ngừng được tăng lên.

 

Ông Yamaguchi Kimio, Chủ tịch Hiệp hội Các DN Nhật Bản, Chi hội tại TP.HCM tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Bình Dương (ngày 23-5) cho rằng: Thời gian qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tạo mọi điều kiện để DN Nhật Bản phát triển SXKD. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao sự phát triển năng động của tỉnh Bình Dương trong những năm qua - nhất là phát triển cơ sởhạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ các nhà đầu tư. Từ đó, góp phần giúp các DN Nhật Bản có đủ điều kiện tiếp tục đầu tư tại Bình Dương. Điều rất đáng trân trọng là làm ăn tại Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng, người Nhật đặc biệt quan tâm đến NLĐ. Từ tiền lương đến các chế độ chính sách, họ đều chú ý quan tâm đãi ngộ công nhân lao động. Họ tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi với NLĐ nên tại các DN Nhật, hầu như không hề có xảy ra tranh chấp lao động.

Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện

Bên cạnh việc đầu tư sản xuất, người Nhật còn quan tâm hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh tại Việt Nam bằng nhiều hình thức. Cụ thể, Tổ chức V-Heart của Nhật do một nhóm người đứng ra vận động đã xây dựng hơn 10 trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật các tỉnh, thành trong cả nước. Đối với Bình Dương, từ năm 2006, tổ chức này đã hỗ trợ xây dựng Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh với số tiền 10 triệu yên Nhật, tặng 2 triệu yên cho việc mua trang thiết bị. Từ năm 2006- 2007, tổ chức này tặng 210 triệu đồng hỗ trợ giáo viên dạy nghề tại trung tâm. Năm 2008 đến 2010, mỗi năm tặng 100 triệu đồng cho giáo viên dạy nghề. Năm 2011 và 2012, V-Heart đã đưa đoàn khách Nhật đến thăm trung tâm, tặng quà và mua sản phẩm do các em khuyết tật làm ra. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã đến tặng quà cho các em khuyết tật tại trung tâm.

Theo ông Shodo, Chủ tịch Tổ chức V-Heart: Những người khuyết tật dù là người Nhật hay người Việt đều giống nhau. Bởi họ đều mắc khiếm khuyết trên cơ thể. Họ thiệt thòi so với mọi người. Do đó, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ để họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đi mặc cảm.

Đối với Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ trên 2 tỷ đồng để xây dựng khối phòng can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính. 7 năm liên tục Công ty Yashaki đều tổ chức đến thăm, tặng quà cho các em tại trung tâm, ngoài ra còn nhận hơn 20 em khiếm thính vào làm việc tại công ty. Ngoài ra, tại trung tâm nhiều cá nhân, tổ chức người Nhật sống tại Bình Dương, hay các tỉnh cũng đã đến thăm, tặng tiền, lương thực cho trung tâm.

Người Bình Dương tìm hiểu văn hóa Nhật

Với các dự án đầu tư của Nhật vào Bình Dương, để đáp ứng nhu cầu lớn thị trường lao động, nhiều trường, trung tâm đào tạo nghề trong tỉnh đã liên kết với Nhật để tạo ra đội ngũ lao động theo tiêu chuẩn và nhu cầu của các DN Nhật, cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, các trung tâm ngoại ngữ cũng xen kẽ đào tạo ngôn ngữ Nhật với việc truyền đạt kỹnăng lao động, tác phong làm việc của người Nhật cho học viên. Theo các trung tâm dạy ngoại ngữ: Xưa nay người Nhật nổi tiếng với nguyên tắc giữ gìn văn hóa truyền thống và tính trung thành khi làm việc cho họ. Nguyên tắc này còn được đặt trên cả chuyên môn và năng lực nghề nghiệp. Vì vậy, khi đào tạo ngôn ngữ giúp các học viên dễdàng xin việc tại các công ty Nhật Bản, trung tâm đã đưa những nguyên tắc này lên hàng đầu trong chương trình đào tạo. Có như vậy mới giúp học viên nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc của người Nhật.  

Ryo Saito, giáo viên dạy tiếng Nhật tại Viện Đào tạo ngôn ngữ - nhân lực Việt - Nhật dạy tiếng Nhật cho học viên đang làm việc tại DN Nhật Bản

Đơn cử trong việc đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản là Viện Đào tạo ngôn ngữ - nhân lực Việt - Nhật (đại lộ Bình Dương, P.Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một). Viện mới tách ra từ trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Đông Nam từ năm 2012. Viện có 4 giảng viên là người Nhật. Với thời gian ngắn, viện đã mởđược 4 khóa đào tạo tiếng Nhật, mỗi khóa 100 - 150 học viên; tư vấn hàng chục trường hợp muốn du học tại Nhật, hay mong muốn làm việc tại DN Nhật Bản. “Người Bình Dương học tiếng Nhật rất chăm chỉ. Những học viên trong lớp tôi hướng dẫn đều là công nhân, mặc dù ban ngày họ đi làm vất vả nhưng ban đêm họ vẫn đi học đầy đủ. Họ rất gần gũi, từ đó tạo cho tôi cảm giác như đang sống tại quê hương của mình”, anh Ryo Saito, giáo viên dạy tiếng Nhật tại viện, nói.

THIÊN LÝ
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên