Nguồn cung hồi phục, không lo sốt giá thịt lợn từ nay đến cuối năm

Cập nhật: 08-09-2018 | 18:35:49

Giá thịt lợn sẽ không đáng ngại bởi nguồn cung thịt lợn trong nước đã phục hồi và dự báo sẽ tăng 1,9% trong quý III/2018.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối ở Cầu Giấy, Xuân Đỉnh và Hoàng Mai (Hà Nội), giá thịt lợn dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Tại các siêu thị lớn như Big C và Aeon ở Hà Nội, thịt lợn có giá từ 109.000 - 151.900 đồng/kg tùy loại.


Thịt đùi lợn được bày bán với giá 111.000 đồng/kg tại siêu thị Big C Long Biên (Ảnh: Hồng Quang)

Các mức giá này đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2018. Nguyên nhân tăng giá được các tiểu thương lý giải là do giá lợn hơi và giá thịt lợn mảnh đã tăng gấp đôi, đặc biệt giá thịt lợn mảnh có lúc lên tới 74.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Nguyên nhân giá thịt lợn tăng là do thiếu hụt nguồn cung cục bộ, chứ tổng cung thịt lợn trên thị trường là không thiếu.

“Vào thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi rất rẻ chỉ dao động ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg. Sau đó, chúng ta đã chủ động điều tiết cung cầu, giảm cung và tăng cầu. Trong 3 tháng từ tháng 3 - 5/2018, cung và cầu thịt lợn gặp nhau nên giá bán bắt đầu tăng,” ông Dương cho hay.


Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Ảnh: Hồng Quang)

Theo số liệu thống kê năm 2016, ước tính cả nước có 3,13 triệu hộ nuôi lợn nhỏ lẻ. Cú sốc trượt giá năm 2017 đã khiến nhiều hộ không duy trì được đàn lợn, dẫn đến nguồn cung lợn từ các hộ nhỏ lẻ giảm đi rất nhiều.

Hiện tượng thiếu cung cục bộ xảy ra khi giá bán lợn hơi trong các tháng 3 - 5/2018 có dấu hiệu tăng và người chăn nuôi không thể thâm canh ngay để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau thời điểm sốt giá, người chăn nuôi đã thực hiện thâm canh tăng năng suất, vỗ béo và đến nay nguồn cung đã dần phục hồi.

Nguồn cung thịt lợn từ hộ nhỏ lẻ giảm đã khiến các hộ giết mổ gặp khó, bởi trước kia các hộ giết mổ chủ yếu mua lợn từ các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ. Điều này vô tình tạo ra hiệu tượng thiếu hụt nguồn cung tức thời và đẩy giá lợn hơi lên cao tới mức 49.000 - 51.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 56.000 - 57.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, đến thời điểm này, tổng nguồn cung thịt lợn đang phục hồi, chủ yếu đến từ các hộ lớn, trang trại và doanh nghiệp. Dự kiến, trong quý III/2018 tổng nguồn cung thịt lợn cả nước sẽ tăng 1,9%, nhiều khả năng sẽ tăng 2,5% vào cuối quý III. Nhìn chung, tổng nguồn cung thịt lợn cả năm có thể tăng gần 2%.

Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi hiện dao động từ 49.000 - 51.000 đồng/kg tại khu vực phía Nam, 48.000- 50.000 đồng/kg tại khu vực miền Trung. Tại miền Bắc, giá lợn hơi nhỉnh hơn ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, mức giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ không đáng lo ngại. Mức giá 45.000 - 50.000 đồng/kg lợn hơi được kỳ vọng sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa để người chăn nuôi có thể bù đắp thua lỗ của năm 2017 và tái đầu tư cho năm 2019.

Xử lý hiện tượng “trồi sụt”

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi lợn là thị trường đầu ra thất thường, trong khi sức sản xuất chăn nuôi trong nước rất lớn.

Do đó, việc phát chăn nuôi theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước và vừa xuất khẩu, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Đối với tổ chức sản xuất trong nước, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với nông hộ chăn nuôi, đơn vị giết mổ, đơn vị phân phối…

Theo ông Dương, doanh nghiệp không nên "ôm" hết các khâu sản xuất. Khâu nào hộ chăn nuôi làm được thì để họ làm, doanh nghiệp nên hướng dẫn, chuyên giao kỹ thuật cho người chăn nuôi và giám sát thực hiện.

Để tránh hiện tượng dư cung, rớt giá, cả phía doanh nghiệp và nhà quản lý đều khẳng định, giải pháp tốt nhất và bền vững cho đầu ra thịt lợn là xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long, cung và cầu thịt lợn trong nước năm ngoái và năm nay chưa đi đúng hướng. Nguồn cung thịt lợn sẽ phát triển theo hướng quy mô công nghiệp trong vòng 2 - 3 năm tới và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Ông Nghĩa cho hay, để chủ động xuất khẩu, Tân Long đã hợp tác với một số công ty chăn nuôi của Đan Mạch để nâng sản lượng lợn thương phẩm từ 100.000 con lên 1 triệu con trong vòng 3 - 5 năm tới. Trước mắt, công ty này đã xúc tiến xuất khẩu thịt lợn sang Myanmar.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng: “Cần khuyến khích xuất khẩu thịt lợn chính ngạch để tạo thêm giá trị gia tăng. Bằng chứng là Việt Nam đã xuất khẩu thịt lợn đông lạnh sang Myanmar bằng đường chính ngạch.”

Để đáp ứng điều kiện xuất khẩu, ngành chăn nuôi phải đáp ứng các tiêu chí như sản xuất quy mô lớn, giá thành hạ, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Theo dự án Luật Chăn nuôi đã trình Quốc hội, ngành chăn nuôi sẽ chuyển hướng thành ngành kinh doanh có điều kiện và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết và hướng đến xuất khẩu.

Theo dự án luật, người chăn nuôi phải đảm bảo các điều kiện mới được tham gia chăn nuôi để cơ quan chức năng có thể kiểm soát thị trường và môi trường. Các điều kiện sẽ được áp dụng cho từng nhóm chăn nuôi, gồm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trại nhỏ và chăn nuôi trại lớn. Đơn cử, trang trại lớn có quy mô từ 3.000 con lợn trở lên phải xin cấp phép./. 

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên