Hiệu quả từ mô hình CLB PCTP
Đến nay, hầu hết các xã, phường trong tỉnh đều đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) PCTP với khoảng 4.280 thành viên; trong đó 41/91 xã phường, thị trấn thành lập Đội xung kích PCTP với 480 hội viên. Đây là lực lượng đã góp phần cùng công an (CA) các địa phương làm tốt công tác tấn công tội phạm, tạo an tâm cho người dân.
Một đối tượng trộm cắp xe máy bị người dân và “hiệp sĩ” phường An Phú, TX.Thuận An bắt quả tang Ảnh: L.V.CHÂU
Thượng tá Huỳnh Văn Sen, Phó Trưởng phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (PX 28 - CA tỉnh) cho rằng: Mô hình PCTP ở Bình Dương phát triển mạnh là do địa phương đã phát huy tốt vai trò của lực lượng này. Cụ thể như, CA thường xuyên mở các lớp tập huấn về võ thuật, trang bị kiến thức pháp luật cho các thành viên tham gia PCTP; ngoài ra, các cấp chính quyền đã kịp thời động viên, quan tâm về vật chất, tinh thần của các “hiệp sĩ” như trang bị xe máy làm phương tiện tác nghiệp, thăm hỏi tặng quà vào dịp lễ, tết…
Hướng các CLB PCTP hoạt động quy củ hơn, từ năm 2013 UBND tỉnh đã ban hành quy chế về tổ chức, hoạt động của mô hình PCTP; theo đó, CLB PCTP có hai bộ phận, gồm: Đội xung kích PCTP và Đội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trường hợp hội viên trực tiếp tham gia đấu tranh ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc vào các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng - an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét hưởng chế độ chính sách theo quy định. Nếu tài sản bị hư hại thì được xem xét hỗ trợ. Cá nhân vi phạm quy chế thì tùy theo mức độ và trường hợp cụ thể sẽ bị phê bình, kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ ra khỏi CLB.
Quyết định này cũng quy định rõ trường hợp bắt người có hành vi phạm tội quả tang và người có quyết định truy nã; các hội viên phải báo ngay cho Ban Chủ nhiệm CLB và giao ngay người bị bắt cho CA nơi gần nhất. Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động, hội viên phải báo ngay cho Ban Chủ nhiệm CLB, báo cho CA có thẩm quyền tổ chức phối hợp và thông báo cho CLB địa bàn khác tham gia. Trưởng CA cấp phường, xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng về pháp luật, các kỹ năng cần thiết cho các hội viên ở địa phương quản lý.
Thượng tá Huỳnh Văn Sen cho biết thêm: CA tỉnh đang phối hợp các ban ngành, địa phương đưa quy định này vào thực tiễn để hoạt động của các CLB sẽ bài bản, quy củ hơn.
Tiếp tục phát huy
Tiếp tục thực hiện đề án “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác các loại tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư”, 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan ban ngành đã tổ chức 1.650 buổi vận động với hơn 100.000 lượt người tham dự. Qua đó, người dân đã cung cấp cho CA các cấp 450 tin tố giác tội phạm; trong đó 200 tin báo có giá trị giúp CA phát hiện 161 vụ, bắt 335 đối tượng và triệt phá nhiều tụ điểm ma túy cờ bạc, mại dâm. Theo báo cáo của BCĐ 138 Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 569 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội (tăng 11 vụ so với cùng kỳ).
“6 tháng đầu năm nay, lực lượng CA đã phát hiện 182 vụ, bắt 269 đối tượng tội phạm ma túy; so với cùng kỳ tăng 26 vụ, 11 đối tượng. Tang vật thu giữ là hơn 30 gam heroin, 50 gam ma túy “đá”, 436 gam cần sa sấy khô và nhiều tài sản liên quan. Phát hiện và triệt xóa 99 tụ điểm phức tạp về ma túy; đã khởi tố 117 vụ, 165 đối tượng. Trong số các vụ án ma túy bị triệt phá thì sự phối hợp của các thành viên CLB PCTP, chủ nhà trọ ở các địa phương với lực lượng CA là rất chặt; đặc biệt là ở các địa bàn phức tạp, đông người tạm trú như TX.Thuận An, TX.Dĩ An”.
Cơ quan CA đã điều tra làm rõ 482 vụ, bắt 700 đối tượng, tỷ lệ phá án đạt hơn 84%. Để đạt được thành tích trên, ngoài nỗ lực của lực lượng CA thì vai trò của người dân; đặc biệt là thành viên của các CLB PCTP là rất lớn. Hiện tỉnh Bình Dương có 296 CLB chủ nhà trọ tự quản về an ninh trật tự, tập hợp gần 10.000 thành viên. Mô hình này được xây dựng đầu tiên ở TX.Thuận An, trải qua hơn 10 năm hoạt động; đến nay mô hình này đã được nhân rộng khắp ở các địa bàn trong tỉnh. Những chủ nhà trọ sẽ được CA địa phương thường xuyên thông báo các thủ đoạn của tội phạm để họ nêu cao tinh thần cảnh giác; đồng thời tích cực cung cấp tin tố giác tội phạm cho cơ quan chức năng.
Mô hình Tổ xe ôm tự quản an ninh trật tự tuy thành lập muộn hơn nhưng cũng đã phát huy hiệu quả đáng kể; toàn tỉnh hiện có 22 tổ với 123 thành viên, trong đó có thể kể một số CLB thu đạt thành tích nổi trội như: Tổ xe ôm tự quản thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Tổ xe ôm tự quản P.Bình Hòa, TX.Thuận An, Tổ xe ôm tự quản P.Dĩ An, TX.Dĩ An… Các thành viên trong tổ đều được tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu, phương án phối hợp bắt quả tang tội phạm, tuyên truyền về pháp luật để họ có thể tham gia cứu người, bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông hoặc tham gia truy bắt tội phạm.
L.V.CHÂU