Nhiều ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp

Cập nhật: 24-08-2018 | 09:11:12

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương cho biết nghị định lần này có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN), tháo gỡ những khó khăn tồn tại đã lâu trong công tác quản lý và mở ra nhiều thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp (CCN).

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý nhà nước đối với CCN được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư. Theo đó nghị định nêu rõ: Lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào CCN bao gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất cần di dời vào CCN; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành; sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương; các ngành, nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.


Hội nghị triển khai Nghị định số 682017NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp

Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh phải lập, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, điểm đáng chú ý là có nhiều chính sách miễn giảm về tiền thuê đất và hỗ trợ vay vốn tín dụng đầu tư, hỗ trợ kinh phí di dời. Cụ thể, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đối với CCN làng nghề Nghị định quy định dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN làng nghề được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề được miễn tiền thuê đất 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.

Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào CCN làng nghề; mức hỗ trợ cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương xem xét ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề.

Ngoài các chính sách trên, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN làng nghề còn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đối với CCN và của pháp luật liên quan. Trường hợp nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ thì áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất.

Nghị định nêu rõ: Cụm công nghiệp làng nghề được ưu đãi, hỗ trợ phải nằm trong Quy hoạch, được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý CCN.

Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề chiếm trên 60% so với số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã di dời hoặc đăng ký di dời vào CCN làng nghề.

Tính đến thời điểm xem xét hưởng ưu đãi, hỗ trợ, tỷ lệ đăng ký lấp đầy trên 80%, trong đó trên 60% của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề theo xác nhận của UBND cấp huyện.

Đẩy mạnh triển khai CCN gắn với bảo vệ môi trường

Các dự án sản xuất trong CCN đã và đang góp phần vào phát triển ngành công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng định hướng. Việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển CCN góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất của các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ… vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường là thực sự cần thiết. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng - kỹ thuật, tiếp thị kêu gọi đầu tư vào các CCN như đúng tinh thần mà Chủ tịch UBND chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các CCN đang triển khai, lập đề án xây dựng các CCN hỗ trợ, phục vụ cho DN nhỏ và vừa; xây dựng quy chế quản lý CCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ tại cuộc họp về tình hình kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.


Một góc khu công nghiệp An Thạnh
(Hình chỉ mang tính minh họa)

Tại Hội nghị triển khai Hội nghị hướng dẫn phổ biến triển khai thực hiện Nghị định số 68/NĐ-CP quy định về quản lý, phát triển CCN do Sở Công Thương tổ chức có đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực hạ tầng CCN cũng như tham dự đã thẳng thắn đề cập đến những khó khăn khi triển khai các dự án CCN tại các địa phương hiện nay. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã hướng dẫn cụ thể từng trường hợp về hướng giải quyết, phối hợp với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN đầu tư. Theo đại diện Sở Công Thương thì Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ được đánh giá đã tháo “điểm nghẽn” quan trọng nhất là cập nhật theo các luật hiện hành và đang có hiệu lực, các cơ quan nhà nước theo đó sẽ phải có trách nhiệm tuân thủ. Nghị định mới cũng quy định và phân vai rất rõ ràng thẩm quyền thẩm định, trình các dự án đầu tư vào CCN nên tránh được tình trạng chồng chéo, gây mất thời gian cho DN. Nghị định đã tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại đã lâu trong công tác quản lý và mở ra nhiều thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển CCN.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN đầu tư CCN trong quá trình triển khai, quản lý các CCN. Sở sẽ kịp thời phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư để việc triển khai quản lý các CCN đạt hiệu quả cao. Đồng thời ông Dành nhấn mạnh: Các CCN đã và đang triển khai phải tuân thủ đúng quy định về môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn… Trong quy hoạch ngoài việc bố trí mặt bằng cho các nhà máy nhất thiết phải có phương án bảo vệ môi trường, có báo cáo tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt…

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=707
Quay lên trên