Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc

Cập nhật: 13-09-2021 | 08:17:40

Hiện tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò đã xuất hiện tại 35 tỉnh, thành phố trong cả nước, dự báo tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần cảnh giác, ngăn ngừa.

 Chủ động thực hiện tiêm vắc xin cho đàn bò là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh VDNC. Trong ảnh: Mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt ở Trang trại bò Bình Minh ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo (ảnh chụp lúc chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19)

 Không được lơ là

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch bệnh VDNC trên trâu bò tính đến cuối tháng 8-2021, cả nước có 1.494 ổ dịch tại 216 huyện của 35 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 107.000 con, số gia súc đã tiêu hủy là 9.600 con.

Bộ NN&PTNT nhận định, nguy cơ dịch bệnh VDNC trên trâu bò tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới do nhiều nguyên nhân, như thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng...) phát triển, bay xa, ở phạm vi rộng; một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định… Bệnh VDNC có khả năng tồn tại ở đàn gia súc trong thời gian dài, cũng như tiếp tục có khả năng xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tại Bình Dương hiện đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh này. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến nay, dịch bệnh VDNC trên trâu bò đã xảy ra tại 5 huyện, thị, thành phố (huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một) với 70 hộ chăn nuôi có 153 con bò mắc bệnh. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở huyện Bắc Tân Uyên với 18 hộ thuộc 10 xã, thị trấn xuất hiện ổ dịch với 29 con bò bệnh.

Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống để dịch không bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: “Nhằm làm sạch môi trường, hạn chế lây lan mầm bệnh, nhất là bệnh VDNC trên trâu bò, công tác sát trùng tiêu độc luôn được quan tâm triển khai. Ngành thú y cùng chính quyền các địa phương đang triển khai các giải pháp quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn bệnh. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trâu bò phần lớn nhỏ lẻ, thả rông, rất khó quản lý, tiêm phòng; cùng với nhận thức của một số người chăn nuôi gia súc về việc mua con giống, chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc chưa cao”.

Tiêm vắc xin để phòng bệnh

Dù ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhưng trong công tác phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm, nhất là việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh vẫn luôn được doanh nghiệp, người chăn nuôi quan tâm thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Minh, chủ trang trại bò Bình Minh ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết luôn chú trọng thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tiêu độc, khử trùng, cũng như các giải pháp ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài. Đặc biệt, trại nuôi đã chủ động thực hiện tiêm vắc xin cho đàn bò vì đây là giải pháp hiệu quả nhất.

Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, cho biết dù trên địa bàn huyện chưa có bệnh VDNC trên trâu bò, nhưng để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, lực lượng thú y huyện tăng cường bám địa bàn; rà soát thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu bò để triển khai tiêm phòng theo kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo các xã chủ động triển khai phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh; tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò.

Ông Thái Minh Hoàng, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Tân Uyên, cho hay công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh trên đàn trâu bò được địa phương tập trung thực hiện. Đối với bệnh VDNC, huyện đã triển khai tiêm được 150 liều vắc xin phòng dịch VDNC trên trâu bò; phun xịt tiêu độc khử trùng đạt 443 lít ở các hộ chăn nuôi có bò bị mắc bệnh. Hiện, trạm thú y cũng đang tổ chức triển khai tiêm vắc xin ở các xã, thị trấn lân cận của huyện; đồng thời, trạm hướng dẫn người chăn nuôi cách điều trị bệnh VDNC để tránh bệnh lây lan và bùng phát sang địa phương khác.

Theo ngành chức năng, hiện tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều biến động nhưng các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả cổ điển, lở mồm long móng, nhất là dịch tả heo châu Phi… vẫn có nguy cơ tái phát. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

 Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh: Chi cục đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố rà soát, thống kê số lượng trâu bò hiện đang chăn nuôi tại địa phương, xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin VDNC bảo đảm hiệu quả. Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống, kiểm soát bệnh VDNC; kiểm soát việc vận chuyển trâu bò ra vào địa phương và kiểm tra lâm sàng tại các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, thông tin, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Chủ động kiểm tra, phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh và kịp thời tổ chức tiêm vắc xin VDNC theo hướng dẫn.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên