Nỗi lo con đi nhà trẻ

Cập nhật: 29-11-2010 | 00:00:00

Lại một lần nữa dư luận căm phẫn trước cách giữ trẻ vô nhân tính của những bảo mẫu ở nhà trẻ (NT) tự phát. Chuyện gửi con đi NT để đi làm vẫn là nỗi lo canh cánh của các đôi vợ chồng trẻ.

Trông trẻ tư nhân - quá dễ dàng!

Mấy hôm nay, những bà mẹ trẻ có con đang độ tuổi đi NT  lo... thắt ruột khi nghĩ đến tình cảnh con mình đi học có bị “hành hạ” gì không. Với trẻ con, phải dùng đến từ hành hạ nghe thật đau lòng. Bởi, lẽ ra, các cháu phải được nâng niu, thương quý và chăm sóc chu đáo. Lo hơn hết là những bà mẹ làm công nhân vì không xin được cho con vào trường công, công ty không có nhà giữ trẻ nên họ phải gửi con ở NT tự phát.

 

Con cái được chăm sóc, giáo dục tốt là mong muốn của bậc cha mẹ

Không khó để tìm một NT tư nhân có hay không có phép. Đáp ứng từ nhu cầu thực tế, tỷ lệ dân lao động ngoại tỉnh đông, các bạn trẻ làm công nhân, lao động tự do đến tuổi lập gia đình và khi sinh con được 3 - 4 tháng phải đi làm nên đành gửi con đến các NT gần nơi mình ở. Thế nên NT tư mọc lên như nấm. Có thể coi đây là một nghề mới phát triển trong thời gian gần đây ở các tỉnh, thành có đông lao động trẻ đến lập thân, lập nghiệp. Những điểm giữ trẻ tư nhân không có phép tắc gì thường là của những lao động lớn tuổi, hay những người chưa có nghề nghiệp ổn định “tranh thủ” trông vài đứa trẻ để có thu nhập. Mỗi khu phố thường có vài điểm giữ trẻ gia đình theo kiểu “thỏa thuận miệng” giữa chủ nhà và ba mẹ của trẻ. Có nơi ba mẹ gửi theo cháo, sữa nhưng cũng có nơi, vì bận rộn nên họ... khoán trắng việc chăm sóc con cái cho chủ NT. Tiền công thấp (400.000 - 500.000 đồng/cháu/tháng) nên chất lượng cũng khó bảo đảm. Đó là chưa kể những nguy cơ rình rập từ bếp gas, nước sôi, điện... bởi diện tích các nhà giữ trẻ tư này quá chật hẹp.

Chị T. công nhân chà nhám một công ty gỗ cho biết: “Tôi lập gia đình 3 năm nay và bé nhà tôi được gần 2 tuổi. Hồi mới sinh con xong, tôi gửi về quê cho bà ngoại nuôi giúp nhưng xa con nhớ quá nên 4 tháng trước, tôi đem bé vào Bình Dương sống chung với ba mẹ. Lương của hai vợ chồng chưa tới 4 triệu đồng/tháng nên phải tính toán thật kỹ mới lo được tiền trọ, tiền gửi con, tiền chợ... Tôi gửi bé gần nhà với giá tiền công gửi 10.000 đồng/ngày. Nếu bé ăn bữa trưa ở NT thì thêm 5.000 đồng vị chi 15.000 đồng/ngày... Biết là con mình thiệt thòi khi gửi vào những nơi này nhưng kiếm đồng tiền khó quá đành phải gửi thôi chứ biết làm sao?”...

Cái khó bó... tình thương?      

Nhiều người quy chuyện bảo mẫu đối xử với trẻ quá tệ là do ít tiền. Họ bảo “tiền nào của nấy” nhưng nếu như thế thì bất nhẫn quá! Tình thương với trẻ không thể tính bằng tiền nong như thế và nếu nhất thiết, với đồng tiền quá ít ỏi, không đủ để trả cho cái công chăm sóc trẻ thì đừng nhận con người ta vào rồi đánh đập, chửi rủa như thế.

Một chủ NT tư nhân gần nơi tôi ở nói về “nghề” của mình rằng: “Do mấy cô (công nhân) năn nỉ quá tôi mới trông con giúp họ chứ mỗi bé có mấy trăm ngàn mỗi tháng có đủ thiếu gì đâu. Chỉ là tôi làm thêm để phụ vợ chồng con trai mình ít tiền chợ. Nhưng dù gì thì cũng không thể đối xử với bé một cách tàn nhẫn như thế được”. Theo cô này thì có mấy đứa gửi nhờ nên coi như con cháu trong nhà chứ có làm gì to tát đâu mà xin phép? Cũng có những “bảo mẫu tư gia” khó chịu ra mặt khi người viết tiếp xúc để hỏi ý kiến họ cho bài viết này. Theo họ, họ không “ép” ai cả mà toàn là công nhân trong xóm đến nhờ trông con giúp vì đã hết thời gian nghỉ hộ sản, phải đi làm trở lại nếu không sẽ bị mất việc nên họ mới trông giúp...

Lo lắng cho con khi đi NT có an toàn, có bị đánh hay không nên hầu hết nữ công nhân khi tôi tiếp xúc đều mong muốn công ty mình làm có nhà mẫu giáo riêng. Có người còn cho biết, nếu được làm ở những nơi như thế thì họ rất yên tâm bởi giữa trưa, giờ nghỉ có thể đến thăm con. Nhưng xem ra, việc gửi con đi NT vẫn do các đôi vợ chồng trẻ tự lo, tự tìm NT cho con mình. Không biết đến khi nào các bà mẹ trẻ mới bớt được nỗi lo gửi con ở đâu cho tốt để tập trung lo công việc? Và những thế hệ con cái công nhân đang ngày đêm miệt mài trong công xưởng khi nào sẽ được thụ hưởng sự chăm sóc đầy đủ với đúng quyền lợi của các cháu?

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên