Sáng qua (28-3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Công thương được UBND tỉnh ủy quyền tham dự buổi lễ này. Kết quả công bố của VCCI cho thấy, Bình Dương đã có bước cải thiện lớn về thứ hạng khi nhảy vọt từ hạng 14 năm 2017 lên hạng 6 cả nước và đứng đầu khu vực Đông Nam bộ.
Bình Dương tiếp tục dẫn đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng. Trong ảnh: Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TX.Thuận An. Ảnh: XUÂN THI
Các chỉ số thành phần đều tăng
Theo bảng xếp hạng vừa công bố, Quảng Ninh năm thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI với 70,36 điểm, kế đến là Đồng Tháp 70,19 điểm, Long An và Bến Tre lần lượt chia nhau vị trí thứ ba và tư. Đà Nẵng sau nhiều năm liên tục ở vị trí dẫn đầu đã từ vị trí thứ hai năm 2017 xuống thứ 5 với 67,65 điểm năm 2018. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu khi lần lượt xếp thứ 9 và 10. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đây là vị trí cao nhất của Hà Nội trong các năm qua, cho thấy Hà Nội đã có bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.
Trong nỗ lực cải thiện PCI, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao PCI. Thực hiện đề án này, tỉnh liên tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin để hiểu rõ các chiến lược, định hướng và kế hoạch phát triển. Ngoài ra, định kỳ hàng quý, UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI năm 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 20 địa phương trong cả nước. Điều tra PCI năm 2018 cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có sự thay đổi tích cực hơn so với năm 2017. Cụ thể là năm 2018, chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét. |
Bình Dương với 66,09 điểm đã trở lại nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu về PCI năm 2018. Ở khu vực Đông Nam bộ, Bình Dương vươn lên soán ngôi đầu của TP.Hồ Chí Minh (hạng nhất khu vực năm 2017). Kết quả này đến từ những kết quả đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh Bình Dương và tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh của tỉnh. Cụ thể, có 87% doanh nghiệp tham gia điều tra đồng ý với nhận định “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân”, tăng so với con số 80% năm 2017. Đồng thời, 76% doanh nghiệp cho biết “UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh”, tăng so với 70% năm 2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng quy trình mua sắm đấu thầu tại tỉnh minh bạch chiếm 59% (năm 2017 là 47%) và 81% doanh nghiệp cho biết nhận được thông tin sau yêu cầu các cơ quan của tỉnh cung cấp (năm 2017 là 62%).
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng thang điểm của PCI năm 2018 đã phản ánh đúng những tiện ích, mức độ hài lòng mà cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã được thụ hưởng từ các cấp chính quyền trong tỉnh thời gian qua. Ông Trọng nói: Cải cách thủ tục hành chính ở Bình Dương không phải là những câu khẩu hiệu suông, mà chính quyền các cấp của tỉnh luôn lắng nghe, đồng cảm và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. PCI càng không phải là cuộc đua thứ hạng đơn thuần mà là những ghi nhận trân quý của cộng đồng doanh nghiệp với những sự đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đã làm được đối với họ.
Vững vàng tốp 1 về hạ tầng
Báo cáo PCI năm 2018 tiếp tục xây dựng chỉ số cơ sở hạ tầng (CSHT) dựa trên nguồn thông tin thu thập qua kết quả điều tra về cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng CSHT tại các tỉnh, thành phố kết hợp với các nguồn dữ liệu đã được công bố. Chỉ số này không được đưa vào đánh giá PCI, vì vấn đề phát triển CSHT phần lớn nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những thông tin quan trọng bậc nhất của nhà đầu tư khi đến Việt Nam tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh. Và ở chỉ số này, Bình Dương tiếp tục vững vàng ở vị trí dẫn đầu, bứt phá rất xa so với nhóm dưới.
Chỉ CSHT bao gồm 4 chỉ số thành phần là các khu/cụm công nghiệp; đường giao thông; dịch vụ tiện ích cơ bản về hạ tầng (viễn thông, năng lượng); tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, các địa phương đứng đầu xếp hạng về chất lượng CSHT là Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là có CSHT tốt nhất Việt Nam. Đây là những địa phương thường đứng đầu xếp hạng chỉ số CSHT nhiều năm qua. Đặc biệt, Bình Dương luôn là tỉnh dẫn đầu về chỉ số này trong thời gian qua.
Theo ông Lộc, kết quả điều tra cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và CSHT. Mặc dù có một vài trường hợp ngoại lệ nhưng nhìn chung những địa phương nào có chất lượng điều hành tốt có xu hướng có CSHT chất lượng cao hơn. Ngoài ra, các tỉnh có hiệu quả kinh tế tốt nhất là những địa phương có CSHT tốt, thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời lại là nơi có chất lượng điều hành ở mức trên trung bình. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp cũng như chất lượng viễn thông của Bình Dương trong suốt thời gian qua nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển cũng như xây dựng thành phố thông minh.
Có thể nói, PCI năm 2018 đã cho thấy những thành quả bước đầu đầy khích lệ dành cho sự cố gắng, nỗ lực của của Bình Dương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Điều đó cho thấy, Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để nhà đầu tư đạt hiệu quả cao nhất khi chọn tỉnh làm nơi gắn kết làm ăn, kinh doanh lâu dài.
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn
Điểm rất rõ ràng trong kết quả điều tra PCI năm 2018 là các doanh nghiệp dân doanh cho biết mức độ bình đẳng mà họ cảm nhận được so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có sự cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh đồng ý với nhận định “Việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp” đã giảm từ 41,2% năm 2017 xuống còn 32,4% năm 2018; chỉ 37% doanh nghiệp cho biết “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, giảm đáng kể so với con số 45,7% của năm 2017. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo các doanh nghiệp dân doanh, vẫn cần có những nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Năm 2018, có 46,2% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân là tích cực (liên tục gia tăng từ 35,1% của năm 2015), 76,3% doanh nghiệp đồng ý với nhận định: “UBND tỉnh/ thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua; 60,9% doanh nghiệp nhận thấy: “UBND tỉnh/ thành phố rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh,” con số cao nhất kể từ năm 2009.
Kết quả điều tra PCI năm 2018 cũng cho thấy một vài chỉ tiêu khác liên quan tới công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp cũng phản ánh sự cải thiện trong đánh giá của doanh nghiệp đối với tính năng động của các cơ quan chính quyền địa phương. Cụ thể, có 68,5% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (năm 2017 là 67%); 77,4% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn mà họ đã phản ánh (tăng nhẹ so với mức 76,7% năm 2017). Điều này cho thấy công tác cải cách hành chính của các địa phương tiếp tục có bước tiến rõ rệt.
KHÁNH VINH