Pháp, Đức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt tấn công người Kurd ở Syria

Cập nhật: 14-10-2019 | 07:23:16

Người dân tuần hành tại Paris, Pháp phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Syria, ngày 12/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt cuộc tấn công nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria, đồng thời cảnh báo hậu quả nhân đạo thảm khốc, cũng như nguy cơ tiếp tay cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức, ông Macron nêu rõ: "Chúng tôi cùng mong muốn rằng cuộc tấn công này phải dừng lại". Theo ông, chiến dịch này có nguy cơ tạo ra "tình hình nhân đạo không chịu đựng nổi" và các phần tử IS "trỗi dậy trở lại tại khu vực."

Về phần mình, bà Merkel cho rằng có những lý do nhân đạo cho việc này, các bên không thể tiếp tục chấp nhận tình trạng này đối với người Kurd và hoàn toàn có thể được tìm ra một giải pháp khác.

Trước đó cùng ngày, bà Merkel đã có cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong đó nhà lãnh đạo Đức hối thúc Tổng thống Erdogan ngừng ngay chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria, cảnh báo hành động quân sự của Ankara có thể tạo thêm bất ổn cho khu vực cũng như sự trỗi dậy của IS.

Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9/10, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria.

Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=647
Quay lên trên