Các nhà khảo cổ vừa có một bước tiến trong việc tìm hiểu thời kỳ sơ khai của Đông Nam Á với việc phát hiện toilet 4.000 năm tuổi ở Việt Nam.
Địa điểm phát hiện toilet hàng nghìn năm tuổi ở Việt Nam. Nhóm nhà khoa học Australia và Việt Nam thực hiện khai quật tại địa điểm cách TP HCM khoảng 30 km về phía Nam, thuộc di tích khảo cổ Rạch Núi, tỉnh Long An. Giới chuyên gia Australia nhận định, di tích nói trên có thể là "toilet nhân tạo" đầu tiên ở Việt Nam và là phát hiện có tính đột phá trong việc nghiên cứu lịch sử ở khu vực Đông Nam Á.
Radio Australia News dẫn lời tiến sĩ Marc Oxenham, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, chất thải hàng nghìn năm của con người và chó được bảo quản ở Rạch Núi. Điều này giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu về chế độ ăn uống của người xưa. "Trong chất thải có lẫn xương thú, xương cá và rau", ông Marc Oxenham cho hay.
"Chúng tôi còn thấy cấu trúc nguyên vẹn của tòa nhà xây dựng cách đây 3.500 đến 4.000 năm", ông Oxenham nói và tin rằng toilet có tuổi đời hơn 3.500 năm tuổi, tức là vào thời kỳ đồ đá mới.
Trong thời gian tới, nhóm khảo cổ sẽ tìm hiểu chính xác những ngưởi thời cổ đại Đông Nam Á làm gì và sống như thế nào.
Theo VNE