Phát huy giá trị bài học bảo đảm hậu cần chiến lược trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Cập nhật: 25-04-2020 | 15:35:54

Để bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cơ quan hậu cần chiến lược và các tuyến hậu cần chiến dịch đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, góp phần quan trọng cùng toàn quân giành thắng lợi trọn vẹn, để lại nhiều bài học quý cho công tác hậu cần chiến lược hôm nay và mai sau.

Trong hoàn cảnh và điều kiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam, để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch giành thắng lợi, phải dựa trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, toàn diện, kiên trì từ nhiều năm trước. Chính vì thế, ngay sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, khóa II, hậu cần chiến lược đã quyết tâm xây dựng tuyến giao thông vận tải Trường Sơn. Đến năm 1968, tuyến vận tải đã vươn tới chiến trường Nam Bộ và các chiến trường khác. Cùng với đó, tuyến đường ống xăng dầu và các tuyến vận chuyển đường sông được hình thành. Các sư đoàn, trung đoàn vận tải ô tô được thành lập để tăng cường chi viện cho các chiến trường. Các kho dự trữ chiến lược trên các hướng vào các chiến trường được hình thành và tổ chức chặt chẽ. Chỉ trong hơn hai năm, vận tải chiến lược đã đưa vào các chiến trường hơn 300.000 tấn vật chất hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng kịp thời yêu cầu cho hoạt động của các lực lượng.

Ở chiến trường miền Nam, lực lượng hậu cần cũng từng bước phát triển mạnh mẽ trên cơ sở xây dựng căn cứ địa cách mạng gắn với căn cứ hậu cần tại chỗ. Trong hai năm (1973-1974), đường vận tải cơ giới được mở rộng và nối liền các căn cứ hậu cần, tạo thế vững chắc ở từng khu vực trên các hướng đông bắc, đông-đông nam, tây bắc Sài Gòn, sẵn sàng cơ động triển khai sang hướng tây nam. Cùng với đó, hậu cần Miền chi viện và chỉ đạo hậu cần các Quân khu 7, 8 triển khai các cơ sở hậu cần trên hướng đông nam và nam Sài Gòn. Các phân đội hậu cần như tiểu đoàn vận tải ô tô, đội điều trị quân y, trạm sửa chữa kỹ thuật… do hậu cần chiến lược tăng cường được đưa về các căn cứ hậu cần khu vực. Vật chất hậu cần, kỹ thuật do hậu phương lớn chi viện đạt 10.000 tấn, kết hợp khai thác tại chỗ tạo lượng dự trữ tại chiến trường hơn 40.000 tấn.

Tiểu đoàn Vận tải 101 Bộ đội Trường Sơn chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Có thể thấy rõ, trong điều kiện kháng chiến dài ngày, chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần, để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giành thắng lợi, ta đã chủ động chuẩn bị chiến trường về hậu cần một cách kiên trì, toàn diện, khoa học và rất hiệu quả.

Trên cơ sở thế trận hậu cần đã xây dựng tại chiến trường, ta đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, điều chỉnh bố trí, hình thành thế trận hậu cần chiến dịch liên hoàn vững chắc, bao quanh Sài Gòn, phù hợp với quyết tâm của chiến dịch lịch sử, có chiều sâu từ hậu phương, chiến trường, chiến dịch tới các hướng tác chiến, tiếp cận các quân đoàn, cơ động theo các đơn vị thọc sâu, đồng thời có sẵn hậu cần tại chỗ bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu trong vùng địch còn kiểm soát.

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 770 được mở rộng về quy mô, lực lượng, tổ chức tiếp nhận vật chất hậu cần-kỹ thuật từ hậu phương. Trên các hướng tiến công, điều chỉnh lực lượng hậu cần chiến trường, bố trí các đoàn (căn cứ) hậu cần Miền và hậu cần các quân khu trên địa bàn chiến dịch, hình thành thế trận hậu cần khu vực quanh Sài Gòn, đáp ứng trên các hướng tác chiến. Tăng cường lực lượng cho các đoàn (căn cứ) hậu cần trên các hướng đông, đông bắc, tây bắc Sài Gòn. Các đoàn hậu cần tổ chức các “cánh” (phân căn cứ hậu cần), tiếp cận đội hình các đơn vị cơ động chiến đấu. Tổ chức thêm Đoàn hậu cần 240 ở phía tây, cùng Đoàn hậu cần 230 trực tiếp bảo đảm cho các lực lượng tác chiến ở hướng tây và tây nam. Hậu cần Quân khu 8 mở rộng các căn cứ hậu cần ở đông và tây Quốc lộ 4, bảo đảm cho các lực lượng tác chiến ở hướng tây nam và nam Sài Gòn. Hậu cần Quân khu 7 mở rộng căn cứ hậu cần ở đông Đường 15-Bắc Bà Rịa, bảo đảm cho các lực lượng tác chiến ở hướng đông và đông nam Sài Gòn. Việc tổ chức, điều chỉnh trên đã hình thành thế trận hậu cần chiến dịch vững chắc, cùng với hậu cần tại chỗ tạo nên hậu cần khu vực trên các hướng quanh Sài Gòn.

Như vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu cần chiến dịch đã được triển khai đồng bộ, có chiều sâu, từ chiến trường, chiến dịch, quân đoàn tới cấp chiến thuật, nối liền được với hậu cần chiến lược và hậu phương đất nước. Đó là điều kiện cơ bản để hậu cần chiến dịch hoàn thành nhiệm vụ.

Về vận dụng phương pháp, cách thức BĐHC phù hợp với điều kiện chiến trường, phương thức tác chiến chiến dịch và thế trận hậu cần, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ, giữa tại chỗ và cơ động, giữa phân cấp và vượt cấp đã đem lại hiệu quả cao trong BĐHC.

Hậu cần Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa tại chỗ và cơ động, dự trữ và vận chuyển, lấy tại chỗ là cơ bản, trên cơ sở đó tổ chức tốt hậu cần cơ động, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ tác chiến khẩn trương, thọc sâu và đột phá nhanh vào dinh lũy cuối cùng của địch. Trong chiến dịch, chúng ta đã vận dụng linh hoạt giữa BĐHC theo phân cấp và vượt cấp. Hậu cần chiến lược trực tiếp bảo đảm cho các quân đoàn trong hành quân cơ động vào chiến trường. Hậu cần chiến trường (Miền), hậu cần chiến dịch trực tiếp chỉ đạo, cùng hậu cần Quân khu 7, tăng cường lực lượng và chi viện vật chất cho các “mũi”, “bộ phận” hậu cần của Thành đội Sài Gòn và lực lượng đặc công.

Như vậy, hậu cần chiến dịch đã vận dụng những kinh nghiệm phong phú của các chiến dịch trước, trong điều kiện nghệ thuật quân sự có những bước phát triển mới, hậu cần Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức BĐHC, nâng lên một bước, phù hợp với cường độ và tốc độ tác chiến trong tiến công hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại, quy mô lớn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành được thắng lợi hoàn toàn, hậu cần đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho một chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật tác chiến và nghệ thuật bảo đảm, trong đó hậu cần đã phát huy và vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm BĐHC chiến dịch trước đây, nâng cao lên một bước và phù hợp với yêu cầu phát triển của nghệ thuật tác chiến chiến dịch.

Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, những bài học về công tác BĐHC trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng ngành hậu cần và bảo đảm cho quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Vì vậy, ngành hậu cần nói chung, Tổng cục Hậu cần nói riêng cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tập trung xây dựng hậu cần quân đội, nhất là hậu cần chiến lược thực sự là nòng cốt của hậu cần quốc phòng toàn dân trong thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng thế trận, tạo tiềm lực, khả năng huy động hậu cần của đất nước, hậu cần nhân dân cho quốc phòng. Chú trọng xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Từng bước hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh trên các địa bàn, hướng chiến lược, xây dựng ngành hậu cần quân đội vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm nâng cao sức mạnh của quân đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

Theo qdnd.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên