Phát triển hệ thống chợ ở nông thôn: Thiếu vốn hay thiếu quyết tâm?

Cập nhật: 23-09-2010 | 00:00:00

Cùng với quá trình phát triển của tỉnh, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, việc hình thành nên các CNT là một yêu cầu cần thiết nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân nông thôn. Hiện nay, các chợ trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chủ yếu tập trung tại các huyện phía nam và TX.TDM. Còn phần lớn chợ tại vùng sâu các huyện phía bắc như Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo là các chợ tạm, chợ tự phát, quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng yếu kém. Tính đến cuối tháng 12-2009, trên địa bàn tỉnh có 60 chợ hình thành trên địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chỉ có 12/71 xã, chỉ chiếm 16,90%. Theo tiến trình xây dựng nông thôn mới thì năm nay 100% các xã trên địa bàn tỉnh phải có chợ. Tiêu chí này cho thấy việc xây dựng các chợ tại các xã vùng sâu là một thách thức lớn đặt ra cho các cấp, các ngành.

  Người dân nông thôn vẫn có thói quen mua bán ở chợ tạm

Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông mở rộng thì việc hình thành các chợ được xây dựng bài bản là một quá trình tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân, góp phần làm giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Ông Trịnh Thanh Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sang (Phú Giáo) cho biết: “Hiện nay, cơ sở hạ tầng của Phước Sang cũng đã tương đối. Tuy nhiên điều mong mỏi nhất của lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn xã là có một cái chợ để đáp ứng nhu cầu thông thương của người dân nhất là việc phục vụ các mặt hàng thiết yếu. Trong thời gian qua, UBND xã cũng đã có kiến nghị và cũng đã chuẩn bị quỹ đất để xây chợ nhưng vẫn chưa thấy có chỉ đạo cụ thể từ các cấp, các ngành”. Sự mong đợi của ông Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sang và nhân dân tại đây xuất phát từ nhu cầu bức thiết khi mà người dân muốn mua các mặt hàng thiết yếu phải trải qua chặng đường 15 -16km ra chợ thị trấn mới mua được. Ở một số địa phương, do bức xức trong nhu cầu buôn bán nên đã có nhiều hộ dân tự ý xây dựng lán trại để nhóm họp chợ gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Tại Phú Giáo, tuy chợ Phước Vĩnh đã được xây dựng khá quy mô nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tình trạng quá tải. Tại đây vào lúc cao điểm người dân tràn ra cả lòng đường để buôn bán gây nên tình trạng “hỗn loạn”. Các chợ khác của Phú Giáo như An Linh, Tân Long, An Bình tuy đã có sự đầu tư nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Còn nhiều khó khăn

Lãnh đạo các huyện đã nhận ra tầm quan trọng và cần thiết của việc xây dựng CNT nên đã có sự đầu tư cần thiết. Tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn chế nên nhiều địa phương chỉ có thể cải tạo, nâng cấp sửa chữa chứ ít khi đầu tư xây mới. Trong khi đó phong trào xã hội hóa đầu tư phát triển CNT vẫn chưa đạt được kết quả cao. Lý do lớn nhất là nguồn vốn để đầu tư xây dựng CNT là rất lớn, trong khi đó khả năng hoàn vốn thấp và kéo dài. Từ đó dẫn đến thực tế các nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng chợ tại các nơi có khả năng sinh lời nhanh mà không quan tâm đến việc xây dựng các CNT.

Theo khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Phú Giáo không có xã nào có chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Trong thời gian qua, Phú Giáo cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nhưng hiện nay các CNT vẫn chưa được chú ý đầu tư xây dựng đúng mức. Ông Nguyễn Tấn Long - Phó phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết: “Huyện cũng đã có các chủ trương để hình thành nên các CNT mà điển hình là các chợ An Linh, Tân Long, An Bình nhưng công tác này còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện có hiệu quả, nhất là việc tìm được các chủ đầu tư thích hợp”.

Một thực tế nữa là một số chợ tại các xã vùng sâu hiện nay vẫn chưa thể hoạt động có hiệu quả vì có ít người dân vào mua bán và xuất hiện tình trạng người dân không thích vào chợ xây dựng đạt chuẩn mà chỉ thích mua bán ở chợ “chồm hổm”. Chị Hân - ngụ tại ấp 30/4, xã An Linh (Phú Giáo) cho biết: “Tuy các mặt hàng trong chợ An Linh cũng khá phong phú nhưng dân ở đây cũng rất ít vào chợ mua vì có thể dân ở đây sống thưa thớt, cũng có thể họ quen với lối sống tự cung tự cấp, hơn nữa một số cửa hàng tạp hóa cũng đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Có một vài người từ thị trấn vào đây buôn bán thử nhưng gặp nhiều khó khăn”.

Việc các CNT trên địa bàn các huyện trong thời gian qua hoạt động không hiệu quả còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: chưa được đầu tư đồng bộ, mặt hàng buôn bán tại các chợ còn nghèo nàn, sức mua và thu nhập của bà con nông dân còn thấp...  Công tác xây dựng các CNT có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tiến trình phát triển của các vùng nông thôn. CNT cũng là nơi tập trung rất nhiều các mặt hàng trong nước, ít có sản phẩm ngoại. Nếu được chú trọng đầu tư đúng mức và tính toán có hiệu quả thì CNT sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ chương trình Người Việt dùng hàng Việt và làm cho kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn phát triển.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên