Quản lý, bảo vệ nước dưới đất: Cùng cộng đồng trách nhiệm

Cập nhật: 02-01-2014 | 00:00:00
Sau khi xác định nguyên nhân, phạm vi, mức độ ô nhiễm nước ngầm tầng Pleistocen khu vực An Phú (TX.Thuận An), ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bình Dương đã xây dựng đề án và đề xuất một số giải pháp để quản lý, bảo vệ nước dưới đất, góp phần bảo vệ môi trường sống cho người dân ở khu vực này.

  Cán bộ Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản nghiên cứu thăm dò nguồn nước dưới đất

Từ thực trạng…

Đánh giá kết quả phạm vi, mức độ ô nhiễm nước ngầm tầng Pleistocen khu vực An Phú, ông Tân phân tích cụ thể với diện tích 30m2 phần lớn tại các phường An Phú, Thuận Giao và Bình Chuẩn được nghiên cứu, đã xác định được 4 khoảnh, 3 điểm có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm amoni với tổng diện tích khoảng 5,05km2. Mức độ amoni biến đổi từ 0,2 ÷ 13,8mg/l vượt tiêu chuẩn từ 2 - 138 lần, thấp nhất tại khoảnh phía tây nam và cao nhất là khoảnh trung tâm khu vực nghiên cứu. Nhìn chung, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm amoni tại khu vực nghiên cứu chỉ mang tính cục bộ, mức độ ô nhiễm thay đổi theo mùa, không mang tính quy luật và tính liên tục.

Ngoài ô nhiễm amoni, khu vực này còn ô nhiễm clorua. Cũng theo ông Tân, kết quả quan trắc chất lượng nưới dưới đất tại 2 công trình quan trắc động thái nước dưới đất của Sở Tài nguyên và Môi trường (lỗ khoan QTBD2C được quan trắc từ 2003-2012 và lỗ khoan QDBD5C được quan trắc từ 2008-2012) thì hàm lượng clorua dao động từ 9,81 - 31,77mg/l, vượt ngưỡng cho phép 1,06 lần. Mặc dù mức độ ô nhiễm của clorua tại hầu hết các điểm lấy mẫu là chưa vượt tiêu chuẩn cho phép, nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo về mức độ ô nhiễm clorua đang ngày càng tăng ở khu vực.

 Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm amoni, clorua nước ngầm Pleistocen dưới ở khu vực này là do phần lớn chưa có hệ thống thoát nước, nước thải từ hoạt động công nghiệp sau khi được xử lý, nước thải sinh hoạt từ các khu nhà trọ, từ các nhà dân… Thực trạng này đã làm cho tất cả đều thấm trực tiếp vào đất. Song song đó, một số tuyến đường có hệ thống thoát nước kém, cũng gây tình trạng ngập úng tại một số khu vực. Đó là chưa kể đến địa tầng khu vực tầng chứa nước Pleistocen dưới có lớp chứa nước phân bố ở độ sâu từ 7 - 35m và lớp phủ bên trên là lớp sét bột lẫn sạn sỏi laterit và lớp cát bột, có chiều dày khoảng 5 - 7m, trong khi đó cát là thành phần dễ thấm nước.

Một số cán bộ trực tiếp nghiên cứu còn cho biết, theo kết quả thí nghiệm thấm, cho thấy hệ số thấm khu vực tương đối lớn, dao động từ 0,034 - 0,052m/ngày, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm có hệ số thấm tương đối cao, cụ thể như tại khoảnh ô nhiễm amoni ở phía bắc khu vực nghiên cứu bị ô nhiễm là do hệ thống thoát nước kém đã gây ngập úng khu vực, tại đây có hệ số thấm K 0,045 - 0,052m/ ngày; tại khoảnh ô nhiễm amoni ở trung tâm khu vực nghiên cứu đang bị ô nhiễm bởi hoạt động nước thải công nghiệp, sinh hoạt đã cho tự thấm vào đất, có hệ số thấm K 0,034 - 0,038m/ngày.

Đến giải pháp

Trước thực trạng như thế, trao đổi với chúng tôi, ông Tân nói Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án “Xác định nguyên nhân, phạm vi, mức độ ô nhiễm nước ngầm tầng Pleistocen khu vực An Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương” và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đề án đã đề xuất về các giải pháp quản lý, bảo vệ nước dưới đất, trong đó phải bảo đảm về kỹ thuật và quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Để thực hiện tốt các giải pháp đó, các cấp, các ngành chức năng ngoài việc tuyên truyền, cần phối hợp tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc cam kết bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải trong các hộ dân; xem xét chấp thuận đầu tư các dự án có phát sinh nước thải sinh hoạt và sản xuất với lưu lượng lớn hơn 10m3/ ngày đêm tại khu vực chưa có hoặc chưa có hạ tầng thoát nước, để tránh tình trạng nước thải của các cơ sở này thấm vào đất gây ô nhiễm các tầng nước ngầm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Ông Tân cho rằng, đó là về phía quản lý Nhà nước, còn về phía doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý không đạt quy chuẩn, cần tiến hành ngay việc xây dựng, cải tạo lại hệ thống thoát nước và khi có hệ thống thoát nước chung, các doanh nghiệp phải đấu nối toàn bộ nước thải vào hệ thống thoát nước ấy. Về phía hộ dân thì cần xử lý nước thải bằng hệ thống hầm tự hoại, thu gom nước thải sinh hoạt theo đường ống kín, rồi dẫn thoát ra hệ thống tiêu thoát chung của khu vực.

Ông Tân nhấn mạnh trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ nước dưới đất; song ông vẫn khuyến khích doanh nghiệp và hộ dân ở khu vực này nên chuyển dần sang sử dụng nguồn nước cấp tập trung trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường sống cho mọi người và cho mình.

 THÚY HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=649
Quay lên trên