Là địa phương thu hút đông lao động ngoài tỉnh, vì thế, số trẻ em kiếm sống trên đường phố cũng tăng trong thời gian gần đây. Để giúp các em tránh những rủi ro trong cuộc sống, chính quyền các cấp cùng các sở, ngành trong tỉnh đã có nhiều sự quan tâm đến các em.
Trẻ em lao động trên đường phố chủ yếu trong độ tuổi từ 8 - 16, có hoàn cảnh khó khăn và theo gia đình đến Bình Dương mưu sinh, lập nghiệp. Công việc của các em thường là bán vé số, phụ quán ăn nhà hàng, bán hàng rong… Vào một ngày cuối tuần, chúng tôi gặp em Nguyễn Thị H., bán vé số dạo tại TP.Thủ Dầu Một. H. tâm sự: “Mẹ em làm công nhân cho một công ty ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Em đi bán vé số cùng bà ngoại. Lúc mới đi bán vé số, em gặp nhiều chuyện không hay, trong đó, có lần bị lừa đổi số trúng, em bị mất tiền”.
Đa phần trẻ lao động đường phố mà chúng tôi gặp đều phải nghỉ học sớm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay cha mẹ ly hôn nên hầu hết không được đến trường. Loại hình các em theo học chủ yếu tại các lớp học tình thương được tổ chức trên địa bàn ở các phường mà các em sinh sống. “Em học ở lớp tình thương, buổi sáng em đi bán vé số dạo, tối đến lớp học, một tuần em học 3 buổi, các thầy cô là đoàn viên thanh niên phường quan tâm chỉ dạy tụi em…”, em Trần Văn Nam cho biết.
Trước mối nguy luôn rình rập các em, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ em đường phố nói riêng. 6 tháng đầu năm 2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị, thành phố tổ chức 56 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Sở cũng đã tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức đoàn đi thăm và tặng quà cho 1.367 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong Tháng hành động vì trẻ em, toàn tỉnh có 38.000 trẻ em và trẻ em khó khăn được nhận quà với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 1,4 tỷ đồng, vận động là 1,8 tỷ đồng). Công tác chăm sóc trẻ em và đặc biệt là trẻ em con lao động ngoài tỉnh được các ngành, các cấp thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, như tuyên truyền giới thiệu sách thiếu nhi; tổ chức các tủ sách lưu động và chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ phục vụ trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, ở một số địa phương, các ban ngành đoàn thể cũng đã phối hợp với các nhà hảo tâm, đoàn viên thanh niên mở các lớp học tình thương, tổ chức tư vấn hướng nghiệp hay các hoạt động sinh hoạt và phát quà cho các em vào những dịp lễ, tết…
HUỲNH THỦY