Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050: Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại

Cập nhật: 25-11-2022 | 09:54:21

Sáng 24-11, Bình Dương tổ chức hội thảo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Ban chỉ đạo; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo. Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia thuộc Bộ Xây dựng và đại biểu các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khoa học, bài bản

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe đơn vị tư vấn trình bày các nội dung: Định hướng khung chiến lược tích hợp và không gian động lực của tỉnh; đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tỉnh; khung định hướng phát triển quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, các chuyên gia đã trình bày hiện trạng, tiềm năng, vị thế của tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, chia sẻ những định hướng phát triển giúp tỉnh tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội để thực hiện sứ mệnh “đổi mới, bứt phá, sáng tạo”.

Ông Nguyễn Văn Lợi (giữa), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh trao đổi cùng các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: ĐÌNH THẮNG

Xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia đã huy động đội ngũ chuyên gia, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm vào cuộc. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc thượng tầng, thiết chế văn hóa…, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án xây dựng chiến lược phát triển tích hợp theo hướng cân đối, hài hòa. Cụ thể, để hoàn thành bản báo cáo hiện trạng và khung định hướng quy hoạch, thời gian qua đơn vị tư vấn đã huy động hơn 120 chuyên gia tổ chức thu thập hơn 500 bộ dữ liệu, tiến hành 50 cuộc họp, phân tích hơn 200 văn bản. Đơn vị tư vấn đã đúc kết từ những luận điểm khoa học, góc nhìn chuyên môn và dựa trên những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để xây dựng 6 trụ cột, 37 nhiệm vụ tích hợp cho sự phát triển của địa phương trong thời kỳ mới.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đã đề xuất 6 trụ cột phát triển trong khung chiến lược tích hợp, thiết kế nền tảng tích hợp thời kỳ mới cho Bình Dương. Trong đó, việc xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, các thiết chế văn hóa, xã hội đồng bộ sẽ là mấu chốt quan trọng tạo nên sự thành công. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo tỉnh cần có phương án chủ động khả năng chuyển đổi sang hình thái phát triển từ đô thị công nghiệp sang đô thị thông minh phát triển cân đối, hài hòa, đặt con người làm chủ thể trung tâm của mọi chính sách, chủ trương.

Toàn cảnh hội thảo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra vào sáng 24-11

Tại hội thảo, Thạc sĩ - kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia cũng chia sẻ nội dung liên quan những điểm nghẽn của tỉnh. Qua đó, vạch ra những định hướng, giải pháp khắc phục để đưa Bình Dương phát triển vững mạnh. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh cần xây dựng giải pháp để xóa điểm nghẽn trong phát triển nguồn lực và ngành dịch vụ về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật… Chiến lược xây dựng đô thị thông minh với phương châm “sáng tạo - đột phá - hài hòa” sẽ là giải pháp giúp tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức.

Phát triển xứng tầm

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý 5 vấn đề trong công tác lập quy hoạch. Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Thao nhất trí cao với quan điểm sử dụng dư địa ở các địa phương phía Bắc để giải quyết những thách thức của các đô thị phía Nam. Đây cũng là giải pháp cân đối, hài hòa sự phát triển các địa phương mà tỉnh đã định hướng.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra những ý kiến, góc nhìn chuyên môn để cùng trao đổi, thảo luận nhằm giải quyết những điểm nghẽn, thách thức, tạo tiền đề vững chắc giúp tỉnh có định hướng quy hoạch phù hợp, đúng đắn. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch tổng thể và các quy hoạch ngành, các đại biểu, nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến xây dựng, góp phần hoàn thiện đồ án quy hoạch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lợi cảm ơn các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm, luận điểm khoa học xác đáng làm tiền đề giúp tỉnh có những định hướng phát triển đúng đắn trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ông Nguyễn Văn Lợi cũng lưu ý về nội dung định hướng phát triển của tỉnh trong quy hoạch chung của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; định hướng quy hoạch, hình thành các tiểu vùng trực thuộc tỉnh bảo đảm tính phân công, phân nhiệm rõ ràng để các địa phương có thể hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, tỉnh cũng cần xây dựng phương án, lộ trình tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp di dời nhà máy, xí nghiệp theo chủ trương chung. Quỹ đất quy hoạch bố trí cho hoạt động di dời công nghiệp khoảng 6.000ha. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị phía đơn vị tư vấn xoáy sâu vào việc xây dựng quy hoạch đối với TP.Thuận An và TP.Dĩ An, tạo cơ sở giúp các địa phương này nâng cao năng lực cạnh tranh và thể hiện vai trò tiên phong trong bức tranh kinh tế - xã hội tổng thể của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài việc tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế, tỉnh cũng phấn đấu quy hoạch các thiết chế văn hóa - xã hội phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế. Cụ thể, kế hoạch từ nay đến năm 2030, Bình Dương dự kiến sẽ dành quỹ đất và ngân sách để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa, như: Nhà hát trung tâm, khu văn hóa, thể dục, thể thao trung tâm, làng Đại học Bình Dương… Để công tác quy hoạch thật sự có hiệu lực, hiệu quả và trở thành động lực giúp tỉnh phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị đơn vị tư vấn sát cánh với tỉnh. Công tác quy hoạch cần đồng bộ, thống nhất từ tổng thể đến chi tiết.

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia cam kết sẽ sát cánh, đồng hành, chung tay xây dựng Bình Dương trở thành đô thị đáng sống.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: Với đà phát triển như thời gian qua, dự kiến trong thời gian tới nhu cầu về giao thông của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tăng mạnh. Theo đó, ngoài việc quy hoạch mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch, tỉnh cũng cần đẩy nhanh tốc độ quy hoạch xây dựng hệ thống cảng thủy và xem xét phương án xây dựng các tuyến đường sắt.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng: Đơn vị tư vấn cần có phương án đánh giá lại về các nội dung quy hoạch xây dựng trên cơ sở dự báo sát sao sự tăng trưởng mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh và các địa phương trực thuộc. Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển chung cũng cần xác định rõ các tiêu chí, định hướng quy hoạch về các vấn đề đô thị gắn liền giao thông và các bài toán liên quan ngập nước.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu phương án xây dựng quy hoạch các đô thị phía Nam như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An trở thành những đô thị thương mại - dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, dư địa khai thác, xây dựng mô hình đô thị ven sông là khá lớn và có tiềm năng khai thác rất tốt.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên