Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ trong ngày đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt giữa hai luồng ý kiến đồng tình và phản đối. Âu đó cũng là chuyện thường tình đối với một vấn đề có tác động rộng rãi đến nhiều người, nhiều giới. Về phương diện xã hội, đó là dấu hiệu phản biện tích cực cần phát huy, để luật hoặc bất cứ một quy định nào của các bộ, ngành chức năng, khi đi vào cuộc sống sát thực hơn bởi trí tuệ của số đông.
Dưới góc nhìn của nhiều người, chuyện nên hay không nên áp dụng quy định vừa nêu đều có những lập luận, lý lẽ riêng mà nghe ra đôi bên đều có lý. Vấn đề còn lại là Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cần phải biết lắng nghe, sàng lọc, xây dựng hoàn chỉnh dự thảo phù hợp với thực tế trước khi bộ này trình ra cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dưới góc nhìn riêng, người viết cạn nghĩ rằng, với quy định cấm bán rượu sau 22 giờ hàng ngày có cái gì đó na ná những quy định trước đây như hàng rong, thuốc lá. Bởi dù rằng, dự thảo này có thể được thông qua, nhưng liệu có đi vào thực tế cuộc sống.
Bài học về câu chuyện hàng rong, thuốc lá trước đây là một minh chứng “sống động” về những quy định của các bộ ngành mà nhiều người cho rằng rất thiếu thực tế. Đòi hỏi người bán hàng rong phải đi học về an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi phải có đủ nước, đủ tô hợp vệ sinh và nhiều đòi hỏi phi thực tế khác nữa. Nhưng rồi lấy đâu ra đủ người để kiểm tra, xử lý, lực lượng nào sẽ chịu trách nhiệm chính thì không có câu trả lời. Bởi vậy, hàng rong vẫn là… hàng rong đúng nghĩa với tên gọi của nó, rất khó đem cái quy định trên trời kia để “trói buộc” được. Cấm hút thuốc lá nơi công cộng cũng là quy định cần tham khảo để rút kinh nghiệm “sâu sắc”, bởi rượu bia, thuốc lá như “đôi bạn” đồng hành trên mọi nẻo đường. Không cấm được việc hút thuốc lá nơi công cộng như quy định đã đưa ra thì thật khó để cấm bán rượu bia sau 22 giờ một cách triệt để được.
Những người có trách nhiệm khi đưa ra dự thảo này lập luận rằng đó là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (tất nhiên), bảo vệ hạnh phúc gia đình (sợ nhiều ông chồng quá chén), rồi tránh tình trạng say sưa quậy phá, đua xe, gây mất an ninh trật tự, gây tai nạn giao thông… Nói chung là có quá nhiều cái hay, cái lợi nhưng có thực sự làm được như vậy hay không đó mới là điều đáng nói. Và điều đáng nói đó thì rất khó để trả lời! Dự thảo cấm bán rượu bia sau 22 giờ nổ ra cuộc tranh luận gay gắt chính là nằm ở chỗ đó.
CẢNH HƯỞNG