Sẵn sàng ứng phó với dịch MERS-CoV 

Cập nhật: 09-06-2015 | 07:50:18

Chiều qua (8-6), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng, chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV) tại 63 đầu cầu của các tỉnh, thành trong cả nước.

 

 Các đại biểu họp trực tuyến tại Bình Dương về giám sát, điều trị và phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV. Ảnh: Q.NHƯ

 Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của các bệnh viện tuyến Trung ương, chuyên gia y tế thế giới WHO, Mỹ… Phát biểu khai mạc, GS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian này, công tác phòng chống và ứng phó với dịch MERS-CoV là rất quan trọng. Mặc dù hiện nay chúng ta chưa có ca mắc bệnh ghi nhận, nhưng lãnh đạo cũng như mọi ngành phải quyết tâm không cho dịch vào Việt Nam (VN). Sẵn sàng ứng phó với dịch MERS-CoV bởi tính nguy cơ và cấp bách. Ở Hàn Quốc (HQ) hiện đã có 87 ca nhiễm, 5 ca tử vong, theo dõi hơn 1.000 ca. Điều quan ngại là VN - HQ có cộng đồng doanh nhân đi lại giao dịch, người dân sống và làm việc khá đông, hơn 100.000 người VN tại HQ và người HQ sống, làm việc tại VN. Bởi vậy nguy cơ lây bệnh khá cao. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, dù nguy cơ cao hay không cao, chúng ta cũng không chủ quan, lơ là…

Dịch MERS hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome: MERS) là một hội chứng hô hấp do Virus Corona gây ra - cùng loại virus gây cảm lạnh thông thường - gọi là MERS-CoV. Coronavirus lớn nhất trong tất cả các virus RNA. So với hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV, thì MERS có thể tác động lên các đại thực bào gây phóng thích cytokine làm gia tăng tình trạng viêm, tổn thương mô, dẫn đến viêm phổi nặng hơn và suy hô hấp. Tế bào nội mô mạch máu nằm trong mô kẽ phổi cũng có thể bị nhiễm MERS-CoV và vì các cảm thụ DPP4 của MERS-CoV ở trong các tế bào của các mô khác nhau, nên nhiễm trùng đều có thể xảy ra. Điều này giải thích mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao hơn ở những trường hợp nhiễm MERS-CoV so với nhiễm SARS-CoV.

PGS - TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, tình hình dịch MERS-CoV có từ năm 2012, bùng phát từ năm 2014, chưa có ca mắc bệnh ở VN. Tuy nhiên, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ảnh hưởng dịch. Hiện có 1.214 ca nhiễm và 119 ca tử vong. Các đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO, chuyên gia y tế cũng khuyến cáo hơn một nửa số ca bệnh lây truyền tại môi trường bệnh viện nơi dịch bùng phát. Công tác phòng chống dịch bệnh cần đầu tư lâu dài, làm tốt công tác cách ly từ người nghi bệnh từ bệnh viện, chẩn đoán sớm, giám sát người bệnh khi có nghi ngờ và làm tốt công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, tránh lây lan… Kiểm dịch ở biên giới tốt cũng sẽ giúp phát hiện sớm, bao vây, giám sát tốt và không cho xảy ra bệnh. Nếu có những ca mắc bệnh, cần làm mọi cách để cứu người bệnh. Các chuyên gia y tế cũng đã hướng dẫn về cách phòng bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, cung cấp thông tin đúng, kịp thời cho người dân hiểu rõ.

Một vấn đề quan trọng nữa mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh là cần làm tốt công tác truyền thông cho người dân. Ca nghi nhiễm ở TP.HCM ngay tờ khai hải quan làm rất tốt. Sau khi theo dõi có kết quả âm tính đã truyền thông cho người dân hiểu để biết và cung cấp thông tin cho người dân, cho báo chí. Một khi công tác truyền thông tốt, đúng hướng sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn, tránh gây hoang mang…

Tại hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, đây là bệnh lây từ người sang người, dịch MERS-CoV hoàn toàn có thể lây nhiễm ở VN, số người tử vong vẫn chưa dừng lại… Những tỉnh, thành cũng đừng nghĩ địa phương mình không có dịch mà phải luôn chủ động đề phòng. Các địa phương cần tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Với những địa phương có cửa khẩu cần phòng chống và giám sát 24/24 giờ tại cửa khẩu để phối hợp ngành y tế xử lý kịp thời. Tăng cường tập huấn công tác phòng chống bệnh cho cán bộ y tế tại địa phương…

 Trước diễn biến phức tạp của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông do virus corana (MERS-CoV), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký quyết định thành lập 4 đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch. Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch trên địa bàn phụ trách. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đội phản ứng nhanh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh xảy ra trên địa bàn. Đội trưởng các đội phối hợp chặt chẽ với Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại địa phương - nơi có ca bệnh MERS để chỉ đạo, điều phối các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn một cách hiệu quả.

Trước đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nâng cao mức độ cảnh giác và ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV; tăng cường và bảo đảm cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nếu phát hiện nghi ngờ, đặc biệt cần tập huấn dự phòng phổ cập cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế, thực hiện quy trình đường đi riêng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bệnh viện tăng cường thông tin tuyên truyền tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế.

 

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=630
Quay lên trên