Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP: Rằng hay thì thật là hay…

Cập nhật: 19-10-2013 | 00:00:00

Qua 5 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), Bình Dương đã có các mô hình sản xuất hiệu quả. Bước khởi đầu còn nhiều khó khăn, con đường làm VietGAP của nông dân Bình Dương tuy đã hình thành rõ ràng hơn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Những bước “chập chững”

Nông nghiệp vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển chung của Bình Dương. Những nông dân năng động đã xây dựng nên những mô hình nông nghiệp hiện đại, hiệu quả kinh tế cao. Để có thể phát huy hết tiềm năng, nâng cao thu nhập cho nông dân, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có thể xem là một hướng đi tất yếu cho nông dân Bình Dương. Chương trình sản xuất nông nghiệp VietGAP góp phần tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, rất dễ dàng lưu thông trên thị trường. Song song đó, chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất, chế biến, phân phối; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý... Qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen, cách suy nghĩ của người sản xuất và bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp bền vững.

Rất nhiều nông dân còn thiếu các thông tin về VietGAP. Trong ảnh: Sản xuất bưởi tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên

Hiện nay, trên địa bàn Bình Dương đã có một số tổ chức, cá nhân sản xuất được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP là Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng (huyện Tân Uyên), diện tích 3,57 ha (chứng nhận VietGAP); Trang trại Phương Uyên (huyện Tân Uyên), diện tích 7 ha (chứng nhận VietGAP); Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (xã An Thái, huyện Phú Giáo), diện tích 3 ha rau quả các loại (chứng nhận GlobalGAP). Hiện tại có 2 cơ sở đang được hỗ trợ chứng nhận VietGAP là trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, huyện Tân Uyên), diện tích 2 ha bưởi da xanh và trang trại Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bến Cát), diện tích 11 ha bưởi da xanh. Anh Nguyễn Hữu Tâm, thành viên Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng khẳng định, sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP trái bưởi không chỉ ngon mà còn lành. Nghĩa là, chất lượng về an toàn thực phẩm của trái bưởi luôn được bảo đảm. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn mang lại hiệu quả cao, chi phí đầu tư giảm, công sản xuất ít, năng suất tăng. Với các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, cộng thêm “thương hiệu” bưởi Bạch Đằng ngon lành và được nhiều người biết đến lâu nay, giá trị của cây bưởi Bạch Đằng tăng cao hơn trước rất nhiều. Thu nhập của các hộ sản xuất bưởi VietGAP so với sản xuất bưởi theo lối truyền thống tăng khoảng 30 - 40%.

Ngoài các mô hình sản xuất VietGAP kể trên, Bình Dương còn có các mô hình sản xuất rau an toàn, trồng cây có múi áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cũng đang phát huy hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Định, huyện Bến Cát và thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên; các mô hình trồng cây có múi tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên và một số xã của huyện Bến Cát. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên cho biết, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nên năng suất, chất lượng sản phẩm rau của bà con tăng lên. Điều quan trọng hơn là nhận thức của bà con về sản xuất rau an toàn được nâng cao, tự giác, tự nguyện sản xuất theo đúng quy trình. Ông Hà Đức Ái, nông dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại xã Lạc An, huyện Tân Uyên chia sẻ: “Sản xuất lúa theo hướng VietGAP chúng tôi được tập huấn kỹ càng về việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, tiết kiệm tiền thuốc, ít tốn công phun xịt, có lợi cho sức khỏe gia đình, bảo vệ môi trường”.

“Đường đi” còn xa

Đánh giá về những kết quả trong việc xây dựng các mô hình nông nghiệp VietGAP thời gian qua, ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, kể từ khi có các chỉ thị hướng dẫn về áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương đã vận dụng và ban hành các quy trình sản xuất trồng trọt áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân. Qua 5 năm triển khai, VietGAP đã phát huy được những ưu thế của mình, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất thực phẩm an toàn.

Tuy đã có những mô hình sản xuất VietGAP nhưng nếu nhìn vào con số các mô hình được công nhận, có thể thấy rằng còn rất hạn chế so với tiềm năng chung của nông nghiệp Bình Dương. Những hạn chế này một phần xuất phát từ nguyên nhân công tác tuyên truyền cho người dân hiểu cũng như những lợi ích mà VietGAP mang lại chưa cao. Còn rất nhiều nông dân thiếu các thông tin về VietGAP. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng tiêu chuẩn này vào sản xuất chưa mang lại hiệu quả. Ông Phạm Văn Bông cho rằng, để có thể đưa chương trình VietGAP đến gần hơn với nông dân, trong thời gian tới địa phương phải rà soát quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất; ưu tiên đầu tư cho những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh đó cần tổ chức lại các vùng sản xuất tập trung theo mô hình trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng sản xuất theo VietGAP. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn để cán bộ quản lý, người sản xuất hiểu biết về Luật An toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật. Tiếp tục áp dụng Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản để hỗ trợ cho người sản xuất. Ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; huy động các thành phần kinh tế từ trong và ngoài nước đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả, an toàn sản xuất theo VietGAP. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tổng hợp trong sản xuất như giống mới kháng sâu bệnh, thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh và các biện pháp canh tác khác.

Những bước đi đầu tiên của chương trình VietGAP tại Bình Dương đã hình thành. Tuy nhiên, con đường làm VietGAP tại tỉnh nhà còn rất dài, đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều thành phần với định hướng chung là nâng cao thu nhập, trình độ sản xuất của nông dân; đưa sản xuất nông nghiệp Bình Dương phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên