Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Bình Dương hiện nay có hơn 50 thành viên sáng tác ở lĩnh vực văn xuôi và thơ. Có thể kể đến các tên tuổi Trần Quỳnh Như, Phan Đức Nam (truyện ngắn), Cát Du, Lê Phương Lan (thơ)… đây là các tác giả có nhiều tác phẩm đăng trên tạp chí, trang văn nghệ của các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, thế hệ kế thừa là nỗi lo của những người làm công tác quản lý…
Hội viên chuyên ngành văn học Bình Dương tham gia trại sáng tác tại các tỉnh miền Tây
Ít người trẻ mặn mà với văn học
Giai đoạn những năm 80-90 thế kỷ trước, mảng văn học Bình Dương rất sôi nổi với các tên tuổi Nguyễn Tiến Đường, Nguyễn Nguy Anh, Lê Minh Vũ, Lưu Thành Tựu, Lê Tiến Mợi… tác phẩm của họ xuất hiện nhiều trên trang văn nghệ của báo chí trong và ngoài tỉnh. Bút nhóm “Dòng sông xanh” của Bình Dương cũng một thời làm mưa, làm gió ở văn đàn và thi đàn. Nhà thơ Lê Minh Vũ - Phân hội trưởng chuyên ngành văn học Hội VHNT Bình Dương, cho biết lớp trẻ ngày nay ít quan tâm tới lĩnh vực văn học, bởi họ còn có nhiều thú vui và các phương tiện giải trí khác. Nói đang “mất giá” cũng có lý bởi lớp trẻ ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn cho thú tiêu khiển của mình như: Âm nhạc, điện ảnh, internet, công nghệ… Trong số hơn 50 hội viện ở mảng văn thơ, có hơn 50% các tác giả đang ở tuổi nghỉ hưu, lớp trẻ kế thừa đang hiếm dần đang là nỗi lo của Hội VHNT Bình Dương.
Hàng năm, Hội VHNT Bình Dương vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến đi sáng tác cho các hội viên, cộng tác viên; đồng thời liên tục tìm kiếm, phát hiện các nhân tố mới… nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ “hấp dẫn” lớp trẻ gắn bó với văn chương. Nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn chia sẻ, bất cứ lĩnh vực nào lớp kế thừa rất quan trọng. Tìm kiếm và phát hiện ra các tài năng trẻ trong lĩnh vực sáng tác văn học là việc làm rất cần thiết. Cái khó của Bình Dương cũng như nhiều Hội VHNT tỉnh, thành khác chính là ngày càng có ít người trẻ mặn mà với văn học.
Cần cách làm mới
Năm 2015, trường Đại học Thủ Dầu Một từng tổ chức cuộc thi về văn học, tuy nhiên sau 6 tháng phát động số lượng tác phẩm dự thi chỉ lèo tèo. Cuộc thi văn học nhằm phát hiện tài năng văn học trong học sinh - sinh viên chịu số phận chết yểu… Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ, dành cho các đối tượng văn nghệ sĩ, các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh với các thể loại tham gia bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, thơ, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận phê bình văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian… vẫn đang duy trì nhằm tìm kiếm phát hiện tài năng cho Hội VHNT tỉnh. Năm 2017, Giải thưởng văn học Đất và người Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức và tiếp tục diễn ra vào năm 2018 nhưng cho tới nay Hội VHNT vẫn chưa tìm ra nhân tố mới bổ sung vào đội ngũ sáng tác văn học cho tỉnh nhà.
Hiện nay, Tạp chí Văn nghệ Bình Dương được phát hành thường xuyên định kỳ mỗi tháng mỗi lần. Theo nhà thơ Lê Minh Vũ, Hội VHNT Bình Dương vẫn thường xuyên sử dụng các tác phẩm của các tác giả có tên tuổi ngoài tỉnh, ngoài mục đích tăng phần “chất” cho Tạp chí Văn nghệ; một lý do khác có một số hội viên do tuổi tác, sức ỳ… đã không giữ được phong độ sáng tác của mình. Thời gian gần đây, tại một số huyện, thị, thành phố đã cho ra đời các Câu lạc bộ Thơ ca… Tuy nhiên, phần đông các nhà thơ chuyên và không chuyên của các câu lạc bộ này vẫn là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu, ít thấy bóng dáng các bạn trẻ tham gia sinh hoạt.
Đưa văn học đến với công chúng, kéo công chúng về với văn học, dường như Hội VHNT Bình Dương đã làm mọi cách để tìm kiếm thế hệ kế thừa. Vẫn biết “văn chương không thể cưỡng cầu”, nhưng trong bối cảnh kinh tế - xã hội và nhiều mặt khác của Bình Dương đang phát triển vượt bậc, chẳng lẽ để văn chương là “kẻ tới đích cuối cùng?”. Cách làm mới với những con người mới đang rất cần thiết đối với Hội VHNT Bình Dương.
XUÂN VĨ