Siết chặt việc nhập khẩu phế liệu

Cập nhật: 02-08-2018 | 08:09:36

Thời gian gần đây, báo chí và truyền thông phản ánh khá gay gắt hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta không có giải pháp mạnh thì Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới ngày càng thấy rõ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã nhập 277.000 tấn nhựa phế liệu, 1,06 triệu tấn giấy phế liệu, 2,7 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng giá trị nhập khẩu là 1,2 tỷ USD.

 Như vậy, trung bình, mỗi tháng Việt Nam đã bỏ ra 200 triệu USD để nhập khẩu phế liệu. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc là các quốc gia Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất.

Mặc dù lực lượng hải quan đã kiên quyết xử lý phế liệu nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, nhập khẩu chất thải và hàng hóa cấm khác, tuy nhiên, việc quản lý vẫn gặp không ít khó khăn do thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Doanh nghiệp có đủ chiêu trò để “tuồn” phế liệu vào Việt Nam. Khi thông quan cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu lực lượng chức năng đã phát hiện một số hãng tàu khai rất chung chung là phế liệu hay hàng đã qua sử dụng nhằm trốn tránh quy định về nhập khẩu phế liệu. Không chỉ dừng ở việc cố tình khai sai, khai chung chung thông tin, nhiều doanh nghiệp còn làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu.

Có một thực trạng khá phổ biến, rất nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu hiện tồn đọng tại các cảng biển. Hiện tại ở các cảng biển lớn ở nước ta đã có hàng ngàn container tồn đọng, trong đó có khá nhiều container tồn đọng quá 3 tháng.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất các giải pháp cấm nhập khẩu phế liệu ở dạng tạm nhập tái xuất vào Việt Nam. Trước mắt, đối với hàng hóa phế liệu tồn đọng tại cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phế liệu nhập khẩu quá 3 tháng kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì bắt buộc chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=565
Quay lên trên