Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã có cảnh báo về bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ nhũ nhi. Theo đó, mặc dù đã hết mùa mưa nhưng khoa SXH vẫn còn tiếp nhận những bệnh nhân bị SXH; đặc biệt ở trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi - lứa tuổi này rất khó đánh giá, nhận biết triệu chứng, dấu hiệu gợi ý bệnh SXH, cũng như diễn tiến bệnh nặng.
Rất khó chẩn đoán
SXH thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở nhóm từ 4 - 9 tuổi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, SXH xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi hay nhóm tuổi nhũ nhi; mặc dù tỷ lệ không nhiều, khoảng 5 - 6% trong tổng số trẻ mắc bệnh SXH nhập viện Nhi Đồng 1, nhưng khi bị SXH thì nguy cơ tử vong ở trẻ nhũ nhi rất cao. Về mặt lâm sàng, rất khó chẩn đoán trẻ nhũ nhi bị SXH do trẻ quá nhỏ không thể diễn tả được triệu chứng, biểu hiện lâm sàng lại trùng với các bệnh lý khác, cũng như diễn tiến bệnh phức tạp rất dễ vào sốc, khó dự kiến việc xuất hiện sốc và khó dự liệu kết quả điều trị.
Trẻ nhũ nhi điều trị bệnh SXH ở BV Nhi Đồng 1
Mặt khác, mức độ nặng ở nhũ nhi còn do chính đặc điểm sinh học của lứa tuổi này: tỷ lệ dịch trong cơ thể chiếm một tỷ lệ lớn của trọng lượng cơ thể và nhu cầu dịch tối thiểu hàng ngày tương ứng lớn hơn; chức năng hệ tim mạch và thận còn đang tiếp tục phát triển và ít khả năng thích ứng với các rối loạn; cuối cùng là thành mao mạch tăng tính thấm nhiều hơn so với trẻ lớn và người lớn, do đó trẻ nhũ nhi dễ bị rối loạn chức năng tim mạch sớm và dễ quá tải dịch truyền hơn trẻ lớn và người lớn.
Việc điều trị các trường hợp SXH nặng ở trẻ nhũ nhi không đơn giản như với lứa tuổi lớn hơn, một phần do diễn tiến bệnh ở trẻ rất phức tạp không lường trước được, một phần do trẻ nhỏ rất khó thiết lập đường truyền tĩnh mạch (khó lấy ven), phải chích nhiều lần, dễ dẫn đến bầm vết chích, xuất huyết da, kích hoạt quá trình rối loạn đông máu nặng về sau.
Làm sao nhận biết trẻ nhũ nhi bị SXH?
Cũng như ở trẻ lớn và người lớn, trẻ nhũ nhi có những biểu hiện SXH điển hình như sốt cao liên tục, xuất huyết da hoặc niêm như: ói máu hoặc tiêu ra máu nhưng lại rất hiếm trường hợp nào bị chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng. Đa số các trẻ nhũ nhi bị SXH có gan to giống như biểu hiện ở trẻ lớn. Sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Các biểu hiện khác không điển hình xuất hiện với tỷ lệ thấp như lách to, co giật, lơ mơ, hôn mê hay các triệu chứng cơ năng không đặc hiệu như ho, sổ mũi và tiêu chảy khiến cho phụ huynh và ngay cả y bác sĩ nghĩ nhầm đến bệnh lý khác như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường hô hấp hay đường tiêu hóa, đưa đến nhập viện trễ và xử trí không kịp thời. Vì vậy, các bậc phụ huynh và người giữ trẻ lưu ý khi trẻ nhũ nhi bị sốt, cho dù có kèm triệu chứng gì khác cũng phải nghĩ đến: trẻ có thể mắc bệnh SXH và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám và xác định chẩn đoán.
Làm thế nào để chăm sóc và theo dõi trẻ nhũ nhi bệnh SXH ở tại nhà?
Do trẻ nhũ nhi bị SXH là nhóm nguy cơ cao nên việc cho nhập viện hay điều trị ngoại trú là do bác sĩ quyết định. Thường điều trị ngoại trú là những trường hợp trẻ nhũ nhi không sốc. Các phụ huynh cần thực hiện những chăm sóc sau: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo toa bác sĩ, tức là cho thuốc hạ sốt ở trẻ có nhiệt độ > 380C, thuốc được chọn là Paracetamol dạng sirô hay gói bột pha nước, thích hợp cho trẻ vì đây là thuốc hiệu quả nhanh, thường có tác dụng 30 phút và kéo dài từ 4 - 6 giờ, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều 10 - 15mg/kg/lần, lặp lại mỗi 4 - 6 giờ nếu trẻ còn sốt. Cho trẻ mặc lớp quần áo mỏng bằng cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt. Cho trẻ uống nhiều nước, uống sữa bình thường hoặc chia ra thành nhiều cữ vì sốt sẽ làm cho trẻ bị mất nước; lưu ý tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ.
Khi nào đưa trẻ nhũ nhi bị SXH đến bệnh viện ngay?
Các phụ huynh theo dõi trẻ sốt trên 2 ngày và phát hiện một trong những dấu hiệu cảnh báo nặng sau đây, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí thích hợp: Ói nhiều lần; ói ra máu hoặc tiêu phân đen; tay chân lạnh; da nổi bông; lừ đừ, li bì hay bứt rứt, quấy khóc liên tục; bỏ bú.
SXH ở trẻ nhũ nhi là một thể lâm sàng đặc biệt mà các bậc phụ huynh và thầy thuốc lâm sàng cần phải quan tâm cẩn trọng. Nghĩ đến và chẩn đoán sớm, điều trị đúng, cũng như chăm sóc điều dưỡng tốt là những yếu tố chính để giảm tỷ lệ tử vong SXH ở nhóm tuổi quá nhỏ này.
NGUYỄN NGỌC TÂM (ghi)