Kỳ 1: Yêu sớm và những hệ lụy
Kỳ 2: Các giải pháp
Nhà trường lồng ghép chương trình Giáo dục giới tính (GDGT), Giáo dục sức khỏe sinh sản (GDSKSS) vào bộ môn giáo dục công dân, sinh học. Cha mẹ cần kết hợp tốt với nhà trường, xã hội trong giáo dục SKSS cho con cái. Xã hội hóa công tác CSSKSS cho vị thành niên - thanh niên (VTN-TN). Đó là một số giải pháp khả thi cho công tác chăm sóc GDSKSS VTN-TN.
GDSKSS cho “tuổi teen” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”
Kiên trì với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) Bình Dương cho biết: “Công tác CSSKSS cho trẻ VTN-TN cần được tích cực thực hiện thường xuyên, kiên trì. Riêng năm 2010, ngành đã trang bị thêm 2 góc tư vấn cho TX.Thuận An và huyện Bến Cát, với kinh phí là 50 triệu đồng. Cũng trong năm này, toàn tỉnh đã khám và tư vấn cho 1.200 VTN-TN, phát 5.000 tờ rơi, tờ bướm về GDCSSKSS VTN-TN và mở được 4 lớp tập huấn hướng dẫn chuẩn quốc gia về công tác này cho cán bộ y tế trong mạng lưới công lập và ngoài công lập. Trung tâm cũng đã mở 2 lớp về phá thai an toàn dành cho cán bộ y tế của hệ thống y tế tư nhân, tuyên truyền về SKSS cho 800 công nhân ở KCN Mỹ Phước (Bến Cát).
Chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Bà Thủy còn giới thiệu một số giải pháp trong năm 2011: “Trung tâm nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS, ưu tiên thực hiện các giải pháp lồng ghép các dịch vụ KHHGĐ với chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Gắn thông tin giáo dục truyền thông với nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS. Giảm tỷ lệ nạo hút thai và bảo đảm phá thai an toàn, đẩy mạnh các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu CSSKSS của VTN-TN và động viên sự tham gia của nam giới trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trước thực trạng nạo phá thai VTN-TN ngày càng tăng, chúng tôi đã kiến nghị Sở Y tế chỉ đạo tuyến y tế cơ sở ưu tiên thực hiện chương trình CSSKSS cho lứa tuổi VTN-TN. Song muốn chương trình đạt hiệu quả, lãnh đạo các cấp cần quan tâm triển khai, mở rộng và từng bước thực hiện xã hội hóa công tác này trong chương trình mục tiêu quốc gia cho đối tượng VTN-TN. Đặc biệt chú ý lực lượng lao động trẻ là công nhân ở các KCN. Ngành y tế kết hợp với ngành dân số cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS đến vùng sâu, vùng khó khăn, vùng tập trung lực lượng công nhân.
Trong ngành giáo dục, về vấn đề này, các trường THCS, THPT trong tỉnh cũng đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền. Thầy Đặng Văn Sung, Hiệu trưởng trường THCS Đông Hòa, TX.Dĩ An cho biết: “Mấy năm trước trường có mời TTCSSKSS Bình Dương, về nói chuyện, tư vấn về GDGT, SKSS. Mấy năm nay, thầy cô giáo các bộ môn GDCD, sinh học đã lồng ghép giảng dạy, thầy cô chủ nhiệm cũng sinh hoạt cho học sinh nhiều hơn về vấn đề này.”
Cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng
Thành ngữ có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Từ xưa, vai trò cha mẹ trong giáo dục con cái luôn đứng hàng đầu. Dù muốn, dù không, các bậc cha mẹ cũng không thể chối bỏ, hay đùn đẩy trách nhiệm của mình trong các trường hợp nạo phá thai đáng tiếc, sinh con ngoài ý muốn. Các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục về SKSS và tình dục an toàn cho con trẻ.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, đã có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này: “Nhiều bậc cha mẹ khi con lỡ lầm thường đánh đập ghê lắm. Và họ quay qua đổ lỗi cho nhà trường, xã hội. Thay vì họ phải nghiêm túc tự kiểm điểm, bởi trách nhiệm lớn nhất, trước nhất chính là cha mẹ. Hơn ai hết cha mẹ phải là những người bạn, luôn gần gũi bên con, khi con có những thay đổi về tâm sinh lý, về tình cảm khác giới, để có những lời khuyên nhủ, chia sẻ kịp thời. Cha mẹ cần kết hợp tốt với nhà trường, xã hội trong GDSKSS cho con cái. Để con mình có đủ kiến thức cần thiết về giới tính, về tình dục, cả những viễn cảnh đau lòng khi yêu sớm, mà vững bước vào đời một cách tự tin, bản lĩnh”.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trung tâm Huấn luyện kỹ năng sống ý tưởng mới, kêu gọi xã hội hóa công tác GDSKSS cho đối tượng VTN-TN: “Cho đến thời điểm này, Việt Nam là một trong các nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nạo phá thai. Trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” này, các bậc cha mẹ không nên né tránh, vì trước nay vấn đề này vẫn được xem là nhạy cảm, riêng tư, khó nói, mà hãy thẳng thắn đối mặt với việc giáo dục giới tính, GDSKSS cho con của mình. Nhà trường cũng cần nghiêm túc hơn nữa trong việc lồng ghép thực hiện chương trình GDSKSS cho học sinh vào các bộ môn sinh học, giáo dục công dân. Để các em xác định mối quan hệ bạn bè trong sáng, lành mạnh. Còn nếu yêu thì hãy cùng nhìn về một hướng, phấn đấu học tập, hẹn ngày thành đạt, rồi đi đến hôn nhân, chứ không vội quan hệ tình dục. Các ngành chức năng, ban ngành đoàn thể cũng cần vào cuộc tăng cường công tác giáo dục truyền thông về GDSKSS cho số đối tượng “trẻ người non dạ” này. Và khi đã thực hiện các biện pháp tổng hợp trên, mà vẫn không ngăn cản được, thì các cháu cũng đã được trang bị hành trang vừa đủ để áp dụng tình dục an toàn, tránh các hệ lụy đáng tiếc: nạo phá thai, kết hôn sớm...”.
BẢO ANH