Là một đứa trẻ bị bỏ rơi lớn lên trong nghèo đói, người đàn ông có tên Edwin DSouza bất ngờ có cơ hội được thừa kế số tài sản lớn từ người cha dượng – vốn là một gián điệp nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ, từng kiếm được hàng triệu đô la từ các cơ quan mật vụ của Liên Xô và Pháp nhờ việc bán các thông tin bí mật.
Câu chuyện kỳ thú liên quan đến khoản thừa kế của Edwin được đánh giá là một đề tài hấp dẫn xứng đáng được đưa lên màn ảnh tại Bollywood…
Tháng 12-2017, cảnh sát bất ngờ tìm gặp ông già 74 tuổi Edwin DSouza, khi đó đang sống gần thành phố Mangalore. Đối với những người quen biết Edwin, thì đây là chuyện không có gì bất ngờ.
“Bác Edwin từng là một tay trộm vặt, thậm chí đã âm mưu lấy trộm ôtô nhưng bất thành – một người họ hàng của ông ta nhớ lại – Ban đầu tôi đã nghĩ rằng, họ đến gặp ông ấy vì một vụ án cũ nào đó. Nhưng sau tôi mới biết được, đó là những cảnh sát đến từ Delhi. Tôi đã bắt đầu lo lắng. Điều gì đã khiến họ phải mò tới một nơi xa xôi như thế này?”.
Lý do của chuyến viếng thăm bất ngờ này liên quan đến một khoản tiền lớn mà Edwin chưa bao giờ dám mơ tới, ngay cả vào thời kỳ đỉnh điểm trong “sự nghiệp tội phạm” của mình. Những viên cảnh sát từ thủ đô nói với Edwin rằng, ông ta đang có cơ hội sở hữu một dinh cơ sang trọng tại một trong những khu phố uy tín nhất ở New Delhi.
Ông Edwin Dsouza.
Biệt thự to lớn trị giá cả trăm triệu rupee tọa lạc tại Sainik Farm, là nơi đang sinh sống của nhiều bộ trưởng nghỉ hưu, các ngôi sao trong giới showbiz, những thương gia và quan chức cỡ lớn. Nhiều người vẫn nói đùa rằng, bất cứ ai tại khu vực này chỉ sở hữu có 2 chiếc Mercedes thì vẫn chỉ được xếp vào loại… nghèo khó.
Trong quá khứ, dinh thự trên thuộc về Gerty Walder, người mẹ đã quá cố của Edwin, người đã bỏ rơi ông ta từ hơn 50 năm trước. Về sau, bà ta đã thay đổi tên họ, dính líu vào một trong những vụ bê bối gián điệp được coi là lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ, sau cùng được thừa kế một gia tài lớn từ người chồng mới.
Đứa con bị bỏ rơi
Khi Edwin mới được vỏn vẹn 2 tháng tuổi, bà Gerty đã để lại đứa con nhỏ cho gia đình chăm sóc để tới Mumbai. Họ hàng không nhớ vì sao bà ta lại hành động như vậy, chỉ cho rằng đứa trẻ là con ngoài giá thú. Tại cộng đồng Thiên chúa giáo ở Mangalore khi đó, một cô gái dính líu tới chuyện này bị coi là nỗi nhục lớn.
Thỉnh thoảng, Gerty vẫn ghé thăm và gửi tiền, nhưng đứa trẻ phần lớn thời gian là do người bà Giuliana nuôi nấng. Edwin thậm chí còn gọi bà là mẹ, dù trong suốt một thời gian dài vẫn không biết rằng, người mẹ thực sự của mình đang sống tại một thành phố khác. Nhiều người họ hàng khác cũng tin rằng, Edwin không phải là con, mà là em trai của Gerty.
Vào năm 1955, Gerty quen biết với một đồng nghiệp khả ái có tên Coomer Narain (30 tuổi). Nhân vật này khi đó đã thành danh trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho dù bắt đầu công việc từ những vị trí thấp nhất của một nhân viên tốc ký. Chẳng bao lâu, cả hai kết hôn. Ngoài việc lấy họ của chồng, Gerty đổi tên mới thành Geeta Narain.
Một thời gian ngắn sau, hai vợ chồng chuyển tới thủ đô Delhi sinh sống. Vào thời điểm đó, Edwin đã bước sang lứa tuổi thanh niên.
Khi tròn 17 tuổi, cậu ta kiếm tiền bằng nghề rửa xe tải và bắt đầu mơ mộng tới chuyện đổi đời. Nhưng trong tình cảnh của Edwin khi đó, con đường duy nhất để có thể hy vọng làm giàu chính là trở thành tội phạm. Năm 1964, khi trở về thăm nhà tại Mangalore, Gerty nhận thấy con trai đang giao du với những đứa bạn xấu. Bà ta khuyên mẹ nên gửi Edwin tới sống với mình tại Delhi.
Dù miễn cưỡng phải đi theo, nhưng Edwin không chịu nghe lời người mẹ vốn quá xa lạ với mình. “Mối quan hệ của chúng tôi không tốt đẹp gì. Tôi không coi bà ấy là mẹ, cũng như bà ấy không coi tôi là con – Edwin khẳng định – Tôi không hề thích gì Delhi và cũng rất nhớ nhà. Tất cả cuộc sống của tôi và cả người bà đang ở Mangalore, vì vậy tôi quyết định quay trở về chỉ sau sáu tháng. Bà ấy cũng không ngăn cản tôi. Từ đó, chúng tôi không bao giờ gặp nhau nữa”.
Ngay khi cánh cửa đóng lại sau lưng Edwin, cậu ta đã thó ngay chiếc xe Fiat của người mẹ, dùng nó để chạy hơn hai ngàn cây số từ Delhi trở về Mangalore. Gerty phát hiện chiếc xe bị mất cắp nên đã báo cảnh sát, một thời gian sau cũng biết được chính con trai mình là thủ phạm. Tuy nhiên bà đã không thu lại đơn trình báo, khiến cho Edwin bị bắt vì tội danh này vào năm 1965.
Buôn bán bí mật
Edwin hoàn toàn không nhớ tới người chồng của bà Gerty, cho dù trong suốt nửa năm tại Delhi đã từng có dịp chạm mặt ông ta.
Vào thời điểm đó, Coomer Narain đã rời khỏi cơ quan nhà nước, trở thành giám đốc khu vực của công ty SLM Maneklal Industries, chuyên buôn bán các trang thiết bị công nghiệp. Do đã có những mối quan hệ hữu ích từ trước với nhiều quan chức, Coomer hy vọng sẽ tận dụng chúng cho công việc mới của mình.
Cứ mỗi chiều tối, văn phòng của ông ta thường xuyên là nơi tụ tập của những người quen với nhiều mối quan hệ bên trong chính phủ Ấn Độ. Đằng sau những chai whisky 12 năm tuổi, họ cùng nhau buôn chuyện về những gì đang diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Cổng căn biệt thự của Coomer tại Sainik Farm.
Do trước đó không lâu từng là một quan chức trong Bộ Ngoại giao, nên chẳng có ai lo ngại gì về việc thổ lộ những thông tin dù là nhạy cảm nhất với Coomer. Ban đầu, bản thân ông ta cũng không để ý những thông tin trên có giá trị như thế nào.
Hồi cuối những năm 1970, SLM Maneklal Industries có một số hợp đồng cung cấp hàng hóa cho một số nước trong phe XHCN. Đến lúc đó, Coomer bắt đầu nhận thấy rằng, bí mật được những người quen đang là quan chức tiết lộ có thể giúp mang đến rất nhiều tiền.
Chỉ với những chai rượu Johnnie Walker và những món quà khiêm tốn, các nhân viên của Bộ Quốc phòng, thậm chí cả những trợ lý của thủ tướng sẵn sàng cho ông ta xem những tài liệu về các dự án hạt nhân, vệ tinh quân sự và các chương trình quân sự bí mật của Ấn Độ.
Như một tay thư ký trong văn phòng của tổng thống Zail Singh sẵn sàng chia sẻ thông tin chỉ với 5 đôla, một số khác nhận của Coomer những khoản tiền tối đã cũng chỉ tới 20 đôla.
Thời gian đầu, Coomer thậm chí còn không có cả một chiếc máy ảnh, do vậy mọi báo cáo bí mật được mang tới một trung tâm sao chép gần đó. Ông ta bán tài liệu cho một người quen cũ từ Bộ Thương mại với giá một ngàn rupee mỗi bản.
Người này qua một số trung gian bán lại cho điệp viên Xôviết tại Delhi là Gennadi Vaumin, điệp viên Ba lan Jan Houberk (làm việc tại Ấn Độ dưới vỏ bọc phó tùy viên thương mại) và đồng nghiệp người Đức của ông ta - OttoWeicker, nhân viên cơ quan tình báo STASI.
Đầu những năm 1980, tin đồn về “hoạt động kinh doanh bí mật” của Coomer cuối cùng cũng tới tai mật vụ Pháp. Họ sẵn sàng trả bất cứ số tiền nào cho thông tin có thể giúp thúc đẩy thương vụ với chính phủ Ấn Độ về việc bán các máy bay tiêm kích “Mirage” và một số phương tiện kỹ thuật quân sự khác tổng trị giá 40 tỉ bảng. Tất nhiên là Coomer không từ chối.
Trong danh sách tiếp xúc của ông ta đã bổ sung thêm một cái tên nữa – phó tùy viên quân sự Pháp tại Ấn Độ, đại tá Alain Bolley.
Khi các tài khoản tại Thụy Sĩ của Coomer và các đồng phạm đã có hàng triệu đôla chảy vào, họ không còn chỉ hạn chế bằng việc uống rượu whisky để tán gẫu nữa mà bắt đầu tổ chức những buổi tiệc tùng với các gái điếm cao cấp, trong đó mời cả các nguồn tin quý giá của mình. Nhờ những nỗ lực của họ, KGB và Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp đã tiếp cận được hầu hết các tài liệu mật từng nằm trên bàn của Thủ tướng Indira Gandhi.
Tình trạng rò rỉ thông tin mật qui mô như vậy không khó để các cơ quan mật vụ Ấn Độ nhận ra và càng khó để có thể bỏ qua. Năm 1982, bà Gandhi chỉ đạo tăng cường việc giám sát tất cả các thư ký của thủ tướng và tổng thống, trong đó tất nhiên có nhiều nguồn tin của Coomer.
Tuy vậy, cũng phải cần tới 2 năm để thu thập bằng chứng dẫn tới Coomer. Chính cái chết của Gandhi sau vụ ám sát vào tháng 10-1984 đã làm trì hoãn quá trình điều tra này.
Ngày 16-1-1985, một trợ lý thư ký của thủ tướng bị bắt giữ trên đường tới văn phòng của Coomer. Trong chiếc ca táp của anh ta được tìm thấy một xấp tài liệu mật. Ngày hôm sau, các nhà chức trách tiếp tục bắt giữ bản thân Coomer, sếp của ông ta là người đứng đầu công ty SLM Maneklal Industries cùng một số nhân vật khác có dính líu tới hoạt động đánh cắp bí mật quốc gia.
Thủ tướng mới của Ấn Độ Rajiv Gandhi đã chính thức tuyên bố về việc vạch trần những kẻ mưu phản hợp tác với Ba Lan, Đông Đức và Pháp. Có điều không hiểu vì lý do nào mà, ông không hề nhắc tới tên của Vaumin và KGB.
Di sản bất ngờ
Gerty đã không thể tin về việc, Coomer đã hoạt động gián điệp cho Liên Xô và Pháp trong suốt nhiều năm. Bà quả quyết chưa từng nghe tới những khoản tiền nhiều triệu đôla cũng như những buổi tiệc tùng có gái điếm. “Tôi tin rằng, đây là một sai lầm khủng khiếp – Gerty nói – Làm sao có thể nói ông ấy là một James Bond, trong khi ông ấy cả đến con tắc kè cũng sợ”.
Bản thân Coomer không phủ nhận điều gì, khai ra hết tất cả những nguồn tin và cả số tài sản đã kiếm được nhờ bán tài liệu mật. Vài năm sau, ông ta được phép trả tiền thế chân và tạm thời được thả. Quá trình điều tra vẫn kéo dài trong suốt nhiều năm, còn Coomer vẫn nhởn nhơ tự do, đến năm 1995 còn mua căn biệt thự tại Sainik Farm. Ông ta qua đời 5 năm sau ở tuổi 75, không còn đợi được đến khi tòa án xét xử mình được mở.
Vụ án gián điệp của Coomer chỉ chính thức khép lại 2 năm sau đó. Chẳng bao lâu, đến lượt Gerty bị một kẻ lạ mặt nào đó bóp cổ đến chết. Tang lễ của bà không có sự hiện diện của con trai cũng như những người họ hàng khác. “Tôi đã từng nghe một người bạn của gia đình nói rằng, bà ấy đã chết vào năm 2002, nhưng không biết bà ấy bị sát hại” – Edwin kể lại.
Vào năm 2008, căn biệt thự bỏ hoang của vợ chồng Coomer lại xuất hiện một chủ nhân mới – người giúp việc cũ của Gerty có tên là Radhika. Bà ta phá khóa để vào nhà, tự xưng mình là con gái ruột của tay gián điệp nổi tiếng. Radhika có được sự giúp đỡ của một cựu cảnh sát có tên Rann Singh, người ban đầu được bà ta cho thuê và sau đó bán lại biệt thự với giá 3 triệu rupee.
Để chứng minh quyền thừa kế, Radhika trưng ra một số giấy tờ nhập học và hợp đồng thuê căn biệt thự, nhưng có lẽ đều là giả. Khi được yêu cầu xét nghiệm ADN, bà ta đã khước từ, đồng thời nhận mình không phải là con ruột, mà là con nuôi của Coomer và Gerty. Cũng vào thời điểm đó, Singh nộp đơn kiện cảnh sát địa phương, khẳng định mình bị ép buộc về tội giết Gerty. Trong vòng 8 năm, đã có tới 5 điều tra viên tham gia vào nghi án trên nhưng vẫn không thể đi tới kết luận cuối cùng.
Đến năm 2016, thanh tra Shiv Dev quyết định tiếp cận điều tra theo hướng khác cũng như tìm kiếm những người có khả năng thừa kế khác của Coomer và Gerty. Dev thậm chí đã tới quê của Coomer tại bang Kerala, tìm kiếm thông tin về ông ta trong các kho lưu trữ, thậm chí tới cả ngôi đền Ayyappa với hy vọng các tín đồ tại đây có thể nhớ đến Coomer và họ hàng của ông ta – nhưng tất cả đều vô ích.
Nhưng đến khi về Mangalore, là nơi Gerty đã lớn lên thì Dev đã thành công. Nhờ lần theo họ tên thời con gái của bà, viên thanh tra đã tới sở cảnh sát để xem hồ sơ tội phạm của Edwin, trong đó có khẳng định ông ta là con ruột của Gerty. Điều này cũng đồng nghĩa Edwin chính là người thừa kế hợp pháp tài sản của bà.
Tháng 9-2019, Radhika và Singh chính thức bị buộc tội xâm nhập trái phép và lừa đảo. Còn Edwin sẽ phải bảo vệ quyền thừa kế của mình tại tòa. Ông ta được hứa hẹn có sự trợ giúp của con trai, người đã vội quay trở về từ Dubai sau 28 năm làm nghề tài xế taxi tại đây.
“Tôi biết điều này sẽ không đơn giản – Edwin nói – Cần phải có khá nhiều tiền, nhưng chúng tôi không đánh mất hy vọng. Tài sản cần phải thuộc về những người chủ nhân hợp pháp”.
Theo CAND